Thứ Ba | 18/09/2012 18:08

Trợ giá nhiên liệu gây tổn thất cho các nước thu nhập thấp và trung bình

Giá dầu tăng mạnh đang gây tổn thất tài chính cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là những nước trợ giá nhiên liệu.
Sau khi đạt đỉnh vào tháng 6/2008, giá nhiên liệu thế giới đã giảm 6 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2011, giá nhiên liệu đã tăng trở lại và bằng 80% mức đỉnh năm 2008. Kể từ quý II năm nay, giá các loại nhiên liệu tiếp tục trồi sụt song nhìn chung vẫn ở mức cao.

Vào thời điểm giá nhiên liệu đạt đỉnh năm 2008, nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã phải vật lộn để nâng giá mà không làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng trong nước. Trong đó, hầu hết các nước đều cố gắng giữ giá nhiên liệu trong nước tăng không quá 70% so với mức tăng chung của thế giới.

Đối với những nước xuất khẩu dầu, việc giữ giá nhiên liệu tăng thấp hơn so với mức tăng trên thế giới là điều khá dễ dàng, đặc biệt là những nước ở Trung Đông và Trung Á. Những nước này có thể ghìm giá nhiên liệu tăng chưa đến 55% so với thế giới. Ngược lại, những nước phát triển và mới nổi châu Âu lại có tỷ lệ tăng khá cao.

d

Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong giai đoạn giá nhiên liệu thế giới tăng cao, hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình đều thực hiện chương trình trợ giá nhằm ép giá nhiên liệu tăng không quá 30% so với mức tăng chung của thế giới.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng việc kìm giá nhiên liệu tăng thấp hơn so với thể giới có thể gây ra nguy cơ tài chính rất lớn cho nhiều nước. Chẳng hạn, một nửa số quốc gia tại Trung Đông và Trung Á đang phải gánh chịu nguy cơ tài chính khi chi phí nhiên liệu vượt quá 2,3% GDP vào cuối năm 2011.

Theo IMF, sở dĩ nhiều nước có thể duy trì mức tăng thấp hơn so với thế giới trong suốt thời kỳ giá nhiên liệu đạt đỉnh là do chính phủ những nước này đã chịu một phần chi phí thuế nhiên liệu, hay còn gọi là trợ giá nhiên liệu.

Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu bắt đầu giảm thấp vào nửa cuối năm 2008, những nước này hầu như không giảm giá cho người tiêu dùng với lý do phải bù đắp lại số doanh thu bị tổn thất trong quá trình trợ giá. Khi giá nhiên liệu tăng trở lại, những nước này lại tiếp tục giảm thuế để ngăn chặn giá cả trong nước tăng.

z

Theo IMF, việc giảm thuế và tăng trợ cấp đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho những quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là các nước thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, nơi doanh thu từ thuế nhiên liệu đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chi tiêu của chính phủ như xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng.

IMF cảnh báo trợ giá nguyên liệu sẽ thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu, đồng thời gây lãng phí các nguồn tài nguyên hóa thạch quan trọng. Chẳng hạn, tại những nước sản xuất dầu, giá bán lẻ xăng dầu luôn ở mức thấp nhất thế giới, song lượng tiêu thụ nhiên liệu ở những quốc gia này cũng cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thế giới.

Ngoài ra, trợ giá năng lượng cũng làm bùng phát tình trạng buôn lậu nhiên liệu qua biên giới, dẫn đến thiếu hụt trong nước. Bên cạnh đó, các khoản trợ giá sẽ gây tổn thất lớn cho các khoản chi tiêu công cũng như đầu tư tư nhân, trong khi đó hầu hết lợi ích từ các khoản trợ giá đều rơi vào tay nhóm có thu nhập cao hơn chứ không phải người tiêu dùng.

x
Hiện tại, ngoài châu Phi cận Sahara, khoảng một nửa số quốc gia ở Trung Đông và Trung Á cũng có truyền thống trợ cấp giá nhiên liệu cho người tiêu dùng và điều đó sẽ tiếp tục tiếp diễn, IMF cho biết. Ngoài ra, rất nhiều nước tại các khu vực khác trên thế giới cũng đang thực hiện chương trình trợ cấp cho người tiêu dùng.

IMF cho rằng việc một số thành viên G20 trợ giá nguyên liệu đã đi ngược lại cam kết "xóa bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", được đưa ra hồi tháng 9/2009 trong hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức tại Pittsburgh. Cũng theo IMF, những nỗ lực xóa bỏ trợ giá nhiêu liệu tại những nước này sẽ góp phần thúc đẩy cải cách tại nhiều nơi khác trên thế giới.

IMF cho rằng để ngăn chặn sự trở lại của các khoản trợ cấp, giá nhiên liệu nên được tự do hóa. Ngoài ra, các nước cũng có thể áp dụng một cơ chế định giá nhiên liệu tự động để để bảo rằng giá nhiên liệu trong nước sẽ tăng giảm tương ứng với thế giới. Cơ chế này hiện đang hoạt động khá tốt tại những nước như Botswana, Chile, Liberia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, và Zimbabwe.

Tuy nhiên, một cơ chế như vậy không phải là giải pháp toàn diện. Sự thực, nhiều quốc gia đã áp dụng song buộc phải từ bỏ khi giá nhiên liệu thế giới tăng quá mạnh. Điều đó cũng phần nào phản ánh sự miễn cưỡng của chính phủ các nước trong việc tăng giá nhiên liệu trong nước ngang bằng với thế giới, bởi họ lo ngại điều đó có thể gây ra những phản ứng về chính trị lẫn xã hội, IMF cho biết.

Mặc dù vậy, IMF vẫn tin rằng những lo ngại này có thể xóa bỏ bằng cách kết hợp các quy định linh hoạt hơn về giá cả, qua đó tránh được tình trạng giá nhiên liệu trong nước tăng quá cao, trong khi vẫn đảm bảo duy trì giá trong nước tương đương với những biến động của giá quốc tế trong trung hạn.

Nguồn IMF/Khampha


Sự kiện