"Trò chơi tiền tệ" của Trung Quốc
Trung Quốc đang (hoặc chí ít là đang cố gắng) “thiết kế” một bước chuyển mình rất lớn trong cấu trúc nền kinh tế. Từ nhiều năm nay, nước này vẫn dựa vào tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bởi xuất khẩu và những khoản đầu tư khổng lồ và nhà ở, cơ sở hạ tầng (đường xá, cầu cống) hay các ngành công nghiệp nặng (như sắt thép, nhôm). Tuy nhiên, giờ đây mô hình này dường như đang kiệt sức trong khi hoạt động thương mại quốc tế suy yếu đáng kể. Đầu tư quá mức vào bất động sản, cơ sở hạ tầng và công nghiệp cũng gây nên tình trạng dư thừa. Bởi vậy, Trung Quốc đang chuyển hướng sử dụng chi tiêu tiêu dùng làm cỗ máy tăng trưởng, lấy ngành dịch vụ và công nghiệp nhẹ làm trọng tâm.
Quá trình chuyển đổi thành công hay thất bại là câu chuyện hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu thành công, kinh tế Trung Quốc sẽ ổn định hơn và cất cánh nhưng trường hợp ngược lại cũng gây ra không ít hậu quả. Sự ổn định chính trị xã hội cũng phụ thuộc rất nhiều vào “ván bài” này.
Với động phái phá giá bất ngờ của Trung Quốc, một số nhà phân tích lo ngại rằng nước này đang quay trở lại con đường cũ. Bằng cách giảm giá trị của đồng nhân dân tệ, Trung Quốc đang tạo ra lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu. Trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu ì ạch, Trung Quốc có thể kích thích nền kinh tế bằng cách chiếm lấy thị phần xuất khẩu của các nước khác.
Hành động vừa qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các đối thủ cạnh tranh thương mại với Trung Quốc như Hàn Quốc hay Indonesia và nhiều nước khác. Chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra nếu các nước khác cũng phá giá đồng tiền của họ. Nước Mỹ sẽ không thích điều này. Vì USD là đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới, khi các đồng tiền khác giảm giá, USD sẽ tăng giá. Khi đó hàng hóa xuất đi từ Mỹ trở nên đắt đỏ hơn trong khi hàng hóa nhập khẩu rẻ đi.
NHTW Trung Quốc đã khẳng định không có cơ sở gì để tiếp tục phá giá nhân dân tệ và đây chỉ là hành động điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thị trường và nỗ lực tiến tới thả nổi cơ chế tỷ giá mà thôi. Đồng nhân dân tệ cũng đã “lặng sóng”. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng ý với điều này. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá, những tác động đến kinh tế thế giới sẽ lớn hơn và khó đoán hơn.
Rõ ràng là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Tháng 7, xuất khẩu giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng dư thừa khiến các dự án mới không được triển khai. Hoạt động sản xuất sắt thép, xi măng và các kim loại đều suy giảm là bằng chứng phản ánh thị trường nhà đất cũng như hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Dẫu vậy, một số người cho rằng quá trình chuyển mình của Trung Quốc đang diễn biến tốt hơn so với những đánh giá thường htayas. Tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh hơn đầu tư, và trong 1 năm qua thu nhập của các hộ gia đình đã tăng 11%. So với chuẩn của Mỹ và châu Âu, kinh tế Trung Quốc đang diễn biến khá tốt với mức tăng trưởng 6-7% mỗi năm.
Tuy nhiên, dường như các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể an tâm. Vừa qua TTCK sụp đổ là một ví dụ. Có lẽ họ nghĩ rằng hầu hết người dân tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm, hoặc họ sợ 7 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học mỗi năm sẽ không có đủ việc làm.
Cho dù nguyên nhân là gì, rủi ro lớn nhất là Trung Quốc sẽ khiến kinh tế toàn cầu xáo trộn bằng những đợt phá giá tiền tệ. Các quan chức Trung Quốc đã nói rằng họ không muốn đồng nhân dân tệ giảm giá sâu. Nếu đúng như vậy, tất cả những lo lắng và thất vọng trong thời gian qua sẽ biến mất. Nhưng hoàn cảnh có thể thay đổi và bạn không thể chắc chắn về bất cứ điều gì chưa xảy ra.
Rất khó để khẳng định tỷ giá nhân dân tệ nên ở mức nào. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nhân dân tệ đang bị định giá thấp hơn so với giá trị, một số có quan điểm trái ngược trong khi một số cho rằng đây là mức hợp lý. Mỹ đang ở trong một tình thế kỳ lạ. Từ nhiều năm nay Mỹ vẫn hối thúc Trung Quốc để thị trường quyết định nhiều hơn trong chính sách điều hành tỷ giá. Khi đó lập luận được đưa ra là các lực đẩy trên thị trường sẽ đẩy nhân dân tệ tăng giá. Giờ đây mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, nhân dân tệ lại giảm giá. Dòng vốn bị rút ra ồ ạt (gần 500 tỷ USD bị rút ra trong 1 năm qua, theo ước tính của UBS) có nghĩa là đồng nhân dân tệ đã bị bán với khối lượng lớn.
Tuy nhiên chúng ta biết rằng Trung Quốc vẫn có thặng dư thương mại khổng lồ và nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến thặng dư tăng lên. Ngược lại, thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của các nước khác.
Cách tốt nhất là loại bỏ tình trạng thặng dư và thâm hụt thương mại quá đà, không bền vững. Giải pháp tối ưu cho Trung Quốc – và thế giới – là tiếp tục loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào hoạt động thương mại và đầu tư công nghiệp nặng.
Nguồn Trí thức trẻ