Người dân xem bản tin về đợt bùng phát COVID ở Triều Tiên, ngày 17/05. Ảnh: Reuters.
Triều Tiên trên bờ vực thảm họa COVID-19
Triều Tiên đang đứng trên bờ vực của thảm họa COVID-19 trừ khi nhanh chóng thực hiện cung cấp vaccine và thuốc điều trị. Số ca bệnh được báo cáo đã tăng lên gần 1,5 triệu người.
Quốc gia luôn trong tình trạng cô lập này đã tiếp tục báo cáo số lượng lớn các ca bệnh mà họ chỉ gọi đơn giản là "sốt" vào ngày 19/05, vài ngày sau khi công bố ca COVID-19 đầu tiên.
Triều Tiên ghi nhận thêm 269.510 trường hợp và 6 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 56 người, kể từ cuối tháng trước. Khoảng 1,48 triệu người đã nhiễm bệnh kể từ khi trường hợp đầu tiên được báo cáo vào ngày 12/05 và ít nhất 663.910 người đang phải cách ly, theo số liệu chính thức. Dịch bệnh chắc chắn nghiêm trọng hơn những con số đã được ghi nhận, do Triều Tiên còn thiếu các nguồn lực để xét nghiệm, theo dõi và điều trị người bệnh.
Đợt bùng phát COVID-19 trầm trọng có thể mở ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên, nơi nền kinh tế vốn đã bị vùi dập bởi đại dịch khiến biên giới với Trung Quốc (đối tác thương mại chính của nước này) phải đóng cửa, thiên tai và nhiều năm hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc vì các vụ thử tên lửa đạn đạo.
Quốc gia này được cho là không tiêm chủng cho bất kỳ người dân nào và không được tiếp cận với các loại thuốc kháng virus đã được sử dụng để điều trị COVID-19 như các quốc gia khác. Bệnh viện tại Triều Tiên thì có ít nguồn lực chăm sóc đặc biệt để điều trị các ca bệnh nặng, đồng thời tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng đã khiến dân số 26 triệu người dễ mắc bệnh nặng hơn.
Những lời đề nghị giúp đỡ từ bên ngoài cho đến nay vẫn "vấp phải" sự im lặng từ phía Triều Tiên. Đã có những quan ngại rằng nhà lãnh đạo của đất nước, ông Kim Jong Un, có thể sẵn sàng chấp nhận một số lượng lớn các ca bệnh và tử vong để tránh đất nước của mình lọt vào sự giám sát của quốc tế.
Một bức ảnh từ Cơ quan Thông tấn Trung ương của Triều Tiên vào ngày 17/05, cho thấy các sĩ quan quân y của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đang đi cấp thuốc. Ảnh: AFP. |
Kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào tuần trước, truyền thông Triều Tiên đã miêu tả virus này như một “kẻ thù” có thể bị đánh bại bằng các đợt phong tỏa, cách ly và nâng cao cảnh giác. Hãng thông tấn nhà nước KCNA đã đưa tin về việc vận chuyển các loại thuốc không xác định đến hiệu thuốc của các đơn vị quân y, và các chiến dịch y tế công cộng kêu gọi đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Triều Tiên đã thực hiện chỉ 64.200 đợt xét nghiệm kể từ khi bắt đầu đại dịch, so với 172 đợt xét nghiệm ở nước láng giềng Hàn Quốc.
“Tỷ lệ tử vong đối với Omicron ở Hàn Quốc là 0,1%, nhưng tỷ lệ này sẽ cao hơn đáng kể ở Triều Tiên, thậm chí có thể đạt 1%, mặc dù rất khó để đưa ra dự đoán chính xác vào thời điểm này,” ông Jung Jae Hun nói , một Giáo sư về y tế dự phòng tại Đại học Gachon.
Ông Kim, người nói rằng đợt bùng phát đang gây ra "sự xáo trộn lớn", nhận thấy rằng đất nước cần phải cân bằng các biện pháp y tế công cộng với nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ.
Một đảng viên cầm quyền ở tỉnh Bắc Hamgyong cho biết mọi người vẫn đi làm và thị trường vẫn mở, tờ Asia Press. Không có lệnh cấm ra ngoài. Tuy nhiên, vẫn có lệnh phải mang hai lớp khẩu trang.
Ban đầu, nhiều người cho rằng việc Triều Tiên công bố về ca bệnh đầu tiên trong 2 năm như một lời cầu xin sự giúp đỡ. Nhưng họ đã từ chối hàng triệu liều vaccine thông qua chương trình Covax do Liên hợp quốc hậu thuẫn, trong khi Hàn Quốc cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi về đề nghị vaccine, thuốc và nhân viên y tế trong tuần này.
Biến thể Omicron đã gây ra ít ca tử vong và các ca bệnh nghiêm trọng hơn so với các chủng trước đó ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, dịch vụ y tế phù hợp hay từng tiếp xúc với COVID-19.
Nhưng điều đó khó mà thấy được ở Triều Tiên, ông Kim Sin Gon, Giáo sư tại Đại học Y khoa Hàn Quốc ở Seoul, cho biết. Ông nói: “Triều Tiên có nhiều người dễ bị nhiễm bệnh, những người không có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Tỉ lệ tiêm chủng chính thức ở đó là 0 và họ không có thuốc điều trị COVID-19."
Ông Kim nói thêm, nếu không có sự trợ giúp khẩn cấp của quốc tế, Triều Tiên có thể phải hứng chịu tỉ lệ tử vong và dương tính tồi tệ nhất trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm:
Thảm họa sức khỏe tinh thần đến từ lệnh giãn cách do COVID-19 gây ra
Nguồn The Guardian