Thứ Tư | 29/08/2012 09:24

Triều Tiên có dấu hiệu cải cách tiền tệ

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cải cách tiền tệ nhằm phục hồi nền kinh tế kiệt quệ của nước này.
Những dấu hiệu mới nhất cho thấy Triều Tiên đang hướng đến bình ổn giá và giá trị tiền tệ để tiến hành cải cách kinh tế mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề xuất, các chuyên gia kinh tế cho biết.

Bài viết của giáo sư kinh tế Kim Eun-chul đăng trên tờ báo Chosun Sinbo của Nhật Bản gần đây cũng đã đề xuất Bình Nhưỡng thắt chặt quản lý đối với lĩnh vực tài chính.

"Bằng cách tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực tài chính, Triều Tiên sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định", giáo sư Kim Eun-chul tại Đại học Kim Nhật Thành cho biết.

Ngoài ra, một tạp chí kinh doanh có  trụ sở ở Triều Tiên cũng đã xuất bản một bản nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tiền tệ trong lưu thông. Bản nghiên cứu công bố ngày 30/7 đề xuất ngân hàng trung ương Triều Tiên thu hồi tiền tệ đang lưu thông trong dân chúng "đúng lúc" để thiết lập một hệ thống tiền tệ ổn định.

Những báo cáo trên phù hợp với các động thái thay đổi của Triều Tiên như tăng lương cho công nhân, giảm bớt kiểm soát về sản lượng và để các đơn vị sản xuất tự kinh doanh mà các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin.

"Triều Tiên đang tăng cường vị thế của các ngân hàng trung ương, trong khi giảm sự kiểm soát ngân hàng của quân đội và đảng lao động Triều Tiên", nguồn tin thân cận cho hãng tin Yonhap biết.

Tuần trước, khối đoàn kết trí thức Triều Tiên, nhóm gồm những người Triều Tiên đào ngũ đang sống tại Seoul, cho biết Bình Nhưỡng đang chuẩn bị lập ra một tổ chức kinh tế mới bao gồm các chuyên gia tài chính và kế toán hoạt động dưới sự chỉ đạo của nội các Triều Tiên.

Năm 2002, Triều Tiên đã tiến hành một số biện pháp cải cách nhưng sau đó phải ngừng lại. Gần đây nhất, năm 2009, Triều Tiên cũng đã thất bại trong việc đổi giá trị tiền tệ, khiến lạm phát leo thang và tình trạng thiếu lương thực ngày càng tồi tệ.

Nguồn Yonhap/Khampha


Sự kiện