Triều Tiên cải cách tiền tệ, nông nghiệp
"Nông dân sẽ có động lực tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn. Họ có thể giữ chúng và bán khoảng 30-50% sản lượng thu hoạch trên thị trường", nguồn tin cho biết.
Hiện nay hầu hết sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên đều được bán cho chính phủ theo mức giá đã quy định trước.
Quyết định cải cách nông nghiệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đang cân nhắc các biện pháp cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Triều Tiên đã trải qua nạn đói tàn phá trong những năm 1990 và kể từ đó đến nay, nền kinh tế Bình Nhưỡng vẫn chưa phục hồi. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 1/3 dân số Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và nước này cần khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc để nuôi sống người dân.
Các chuyên gia Hàn Quốc cũng tin rằng Triều Tiên đang rất cần phân bón để thúc đẩy sản lượng bởi đất nông nghiệp ở nước này đã bị xói mòn do kỹ thuật canh tác kém.
Trong một diễn biến liên quan, sau nhiều năm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp quốc doanh, giờ đây Triều Tiên đang có kế hoạch cho phép một số doanh nghiệp công nghiệp nhẹ được sử dụng tiền mặt trong thanh toán.
Quyết định này của Triều Tiên nhằm nâng cao năng suất công nghiệp thông qua việc trao quyền tự chủ lớn hơn cho các ngành không phải xương sống của nền kinh tế bất chấp nguy cơ giảm sự giám sát của nhà nước.
Đây là nỗ lực của Triều Tiên nhằm làm hồi sinh một nền kinh tế ốm yếu và có thể được xem như một cuộc cải cách kinh tế ở giai đoạn phôi thai. Bình Nhưỡng đang dần từ bỏ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa”, Kim Young-hui, một chuyên gia kinh tế Triều Tiên tại công ty Korea Finance Corporation trực thuộc chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng quyết định này là bước chuẩn bị của Bình Nhưỡng trước khi cho phép thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt giữa các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ.
Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ áp dụng hệ thống thanh toán bằng tiền mặt tới hầu hết các doanh nghiệp cấp tỉnh sản xuất hàng tiêu dùng, trong khi duy trì phương thức thanh toán cũ với các doanh nghiệp quốc phòng, công nghiệp nặng và các công ty hóa chất nhằm giữ vai trò kiểm soát đối với các ngành chiến lược.
Nguồn Reuters/Khampha