Thứ Tư | 20/02/2013 15:56

Triển vọng kinh tế toàn cầu từ các nền kinh tế lớn

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos vừa qua nhấn mạnh còn rất nhiều việc cần phải làm để ổn định và phục hồi nền kinh tế thế giới.
Trong năm nay, các nền kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có thể chưa thoát khỏi suy thoái, Nhật Bản vẫn phải dốc sức để vực dậy nền kinh tế ốm yếu, trong khi những vấn đề tài chính lớn của Mỹ vẫn còn để ngỏ, còn Trung Quốc đối mặt với không ít thách thức trước triển vọng phục hồi lâu bền.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thuỵ Sĩ) vừa qua nhấn mạnh còn rất nhiều việc cần phải làm để ổn định và phục hồi nền kinh tế thế giới.
Những cơ sở cho sự lạc quan

Trước hết là sự lạc quan đến từ nền kinh tế lớn nhất là Mỹ. Bất chấp tốc độ tăng GDP trong quý 4/2012 lần đầu tiên trong 4 năm qua bị âm 0,1%, kinh tế Mỹ trong tháng đầu tiên của năm nay đang xuất hiện một loạt dấu hiệu tích cực, từ hoạt động sản xuất đến thị trường việc làm cũng như lòng tin tiêu dùng.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (FED) lạc quan nhận định triển vọng phát triển của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay khá sáng sủa khi bức tranh kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tốt đẹp hơn và FED tiếp tục chiến dịch in thêm tiền để tung vào thị trường nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế và cải thiện thị trường lao động.

Bên cạnh đó, ngay ngày đầu năm mới, nước Mỹ cũng đã tránh được mối nguy “vách đá tài chính” vốn đe dọa đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái trở lại, nhờ thỏa thuận đạt được vào giờ chót tại Quốc hội.

Với Eurozone, Holger Schmieding, nhà kinh tế chủ chốt của ngân hàng Berenberg Bank (Đức), nhận định rằng cuộc khủng hoảng nợ phần lớn sẽ qua đi vào cuối năm nay và đây sẽ là một năm mà Eurozone ít có vấn đề hơn so với năm 2012, nhờ những tiến bộ mà khu vực này đạt được, chủ yếu từ chương trình mua trái phiếu mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như cam kết của ECB rằng sẽ làm bất kỳ những gì cần thiết để bảo vệ đồng euro.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà Kinh tế (Anh) hôm 18/2 vừa qua nhận định cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone đã "chạm đáy" trong quý 4/2012 và bước sang năm nay, triển vọng kinh tế được dự báo có phần sáng sủa hơn.

Trong năm qua, lãi suất trái phiếu của các nước ngoại vi mắc nợ lớn đã giảm mạnh, căng thẳng về vốn của các ngân hàng đã phần nào được tháo gỡ và các thị trường trái phiếu đã phục hồi. Các nước ở phía Nam của khu vực đã đạt được bước tiến lớn trong việc giảm thâm hụt thương mại và cũng đã đưa ra được những cải cách về cơ cấu, đặc biệt là đã tạo sự linh hoạt hơn cho thị trường lao động.

Các nhà lãnh đạo của khu vực cũng đã nhất trí về việc thiết lập Cơ quan giám sát ngân hàng, nhằm phối hợp với Cơ chế Bình ổn châu Âu giúp các nước thành viên thoát khỏi khó khăn kinh tế.

Với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu dự báo khoa học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc nhận định nhịp độ tăng trưởng GDP cả năm nay đạt khoảng 8,4%, tăng 0,6% so với năm 2012. Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã phục hồi trở lại, đạt 7,9% trong quý cuối năm 2012, sau 7 quý tăng trưởng chậm lại liên tiếp và nhất là sau khi rơi xuống mức 7,4% trong quý 3.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp về hoạch định chính sách kinh tế hàng năm, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh nhu cầu trong nước sẽ là ưu tiên hàng đầu và là một nền tảng cơ bản mang tính chiến lược cho sự phát triển của Trung Quốc trong năm nay và nước này sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ thận trọng; đồng thời kiểm soát thị trường bất động sản trong nước.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẵn sàng chi nhiều hơn nếu cần để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.

Với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe dự báo nhịp độ tăng trưởng của nước này đang trên đà hướng tới mức tăng 2,5% trong tài khóa bắt đầu từ tháng Tư tới, nhờ gói kích thích kinh tế và sự phục hồi của các thị trường nước ngoài. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng đã lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của đất nước hoa anh đào, với sự hậu thuẫn của đồng yên yếu và các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Gói kích thích kinh tế trị giá 20.200 tỷ yen (khoảng 226 tỷ USD) gồm các khoản đầu tư lớn vào các công trình công cộng nhằm tạo đà tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế, nhằm đưa GDP tăng thêm 2% và tạo ra ít nhất 600.000 việc làm.

Và một tâm lý thận trọng

Dù nhìn vào triển vọng của các nền kinh tế trên thế giới, người ta có lý do để hy vọng về những chuyển biến tích cực của kinh tế toàn cầu, song nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đã chậm lại trong hai năm qua vẫn được dự báo sẽ tiếp tục "ì ạch" trong năm nay.

Trong thời gian diễn ra hội nghị của WEF, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo mới nhất dự đoán kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,5% năm nay, so với mức tăng 3,2% năm 2012. Kinh tế Eurozone được dự báo giảm 0,2% thay vì tăng 0,2% dự kiến trước đó, còn kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 2-2,1%. Trong khi dự đoán kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,2%, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay là 8,2% và 5,9%.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới còn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào việc lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu có đưa ra được những quyết định đúng đắn hay không và hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới không nên chủ quan sau khi Eurozone đạt được thỏa thuận thành lập Cơ quan giám sát ngân hàng và Chính phủ Mỹ tránh được "vách đá tài chính."

Bà Christine Lagarde đánh giá cao việc các nước Eurozone nhất trí thành lập Cơ quan giám sát ngân hàng nhưng các nước thành viên cần phải sử dụng hiệu quả tất cả công cụ sẵn có.

Bày tỏ quan ngại về cuộc chiến tăng trần nợ công đang căng thẳng tại Mỹ, bà Lagarde cho rằng sẽ là một "thảm họa" đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ không hành động kịp thời nhằm giúp nước Mỹ tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Về tình hình Eurozone, EIU cho rằng tình trạng ốm yếu của khu vực tư nhân cộng với chính sách "thắt lưng, buộc bụng" ở nhiều nước khiến tiến trình phục hồi của Eurozone thêm chậm chạp.

Barry Eichengreen, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ, cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nợ đã từng làm chao đảo châu Âu có thể sẽ lại nổ ra nếu các nhà lãnh đạo của châu lục này không đẩy nhanh tiến trình giải quyết các vấn đề của nền kinh tế.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thừa nhận rằng sự bình yên trên thị trường tài chính Eurozone vẫn chưa được phản ánh trong nền kinh tế châu Âu trên diện rộng. Ông Draghi cho rằng các chính phủ cần hướng tới các cuộc cải cách về cơ cấu để đẩy nhanh sức tăng của nền kinh tế, nhờ đó giảm nợ của chính phủ và nguồn tín dụng dễ dàng từ ECB sẽ phải tìm cách đi vào các nền kinh tế, đưa đến sự phục hồi trong nửa cuối của năm nay.

Trong khi đó, trọng trách đối với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc rõ ràng là phải nhanh chóng thúc đẩy tái cân bằng và cải cách nền kinh tế, thực hiện những biện pháp đẩy nhanh sự chuyển tiếp sang một nền kinh tế do tiêu dùng thúc đẩy. Nếu không tái cân bằng, bất kỳ cú sốc bên ngoài nào cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hạ cánh nhẹ nhàng của nền kinh tế Trung Quốc vốn dựa vào xuất khẩu.

Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực tránh để kinh tế bị hạ cánh cứng, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng nước này chỉ mới ngăn chặn lại được tình trạng trì trệ, còn để lấy lại được nhịp độ tăng trưởng thần kỳ hơn 10% như cách đây vài năm, Trung Quốc sẽ phải trải qua một chặng đường dài đầy gian khó.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính ở Nhật Bản cũng đang gây lo ngại, khi tỷ lệ nợ công dự kiến sẽ lên tới 220% GDP và với mức lãi suất 8% cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm, Chính phủ nước này sẽ phải đối mặt với khoản chi phí tài chính chiếm 1,8% GDP năm 2013 và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thâm hụt ngân sách lên hơn 10% GDP.

Để thoát khỏi tình trạng này, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ, song biện pháp này đã làm tăng thêm món nợ công. Một thách thức lớn khác đối với chính quyền của ông Abe là phải đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát đã bén rễ từ lâu ở nước này và đây được coi là ưu tiên chính sách hàng đầu.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện