Thứ Sáu | 04/01/2013 10:27

Triển vọng đầu tư vào Trung Quốc năm 2013

Nguy cơ kinh tế Trung Quốc sụt giảm mạnh và gây ra biến động trên các thị trường vốn toàn cầu đã giảm đi khi thế giới bước sang năm 2013.
Tăng trưởng kinh tế trong quý III/2012 của Trung Quốc đã giảm quý thứ 7 liên tiếp, xuống còn 7,4%, do những biện pháp thắt chặt tiền tệ để giảm sức ép lạm phát. Kinh tế nước này gần đây đã có những dấu hiệu hồi phục, nhờ cam kết của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về việc tiếp tục có các gói kích thích kinh tế.

Trong năm 2012, Trung Quốc đã hai lần cắt giảm lãi suất chuẩn, nới lỏng các yêu cầu về tiền dự trữ đối với các ngân hàng và phê chuẩn các dự án cơ sở hạ tầng trị giá tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD. Những quyết định đó đang góp phần cải thiện các số liệu trong ngành chế tạo, doanh số bán lẻ... trong hai quý vừa qua.

Trung Quốc có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm 2012, thậm chí có thể đạt mức 7,7%. Hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt mức trên 8% trong năm 2013. Điều quan trọng hơn là xu hướng tăng trưởng được cải thiện tại Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tại các thị trường đang nổi.

Rick Rieder, người phụ trách đầu tư tại công ty BlackRock Inc, nhận định rằng trong vòng 3-6 tháng tới, Trung Quốc sẽ khiến mọi người ngạc nhiên về mức độ tăng trưởng, khi không những thoát khỏi nguy cơ hạ cánh cứng mà còn đạt mức tăng trưởng cao. Ông Rieder lạc quan về chứng khoán Trung Quốc, khi thị trường nợ của các nền kinh tế đang nổi nói chung sẽ được lợi nhờ mức tăng trưởng cao hơn các nền kinh tế phát triển vẫn đang trải qua tiến trình "giải nợ".

Ông Jamie Robertson, quan chức phụ trách đầu tư thuộc công ty McLean & Partners Wealth Management Ltd. có trụ sở tại thành phố Canađa, cũng không kém phần lạc quan về chứng khoán Trung Quốc, thị trường đang đặc biệt hấp dẫn, nhờ giá trị tương đối thấp so với các thị trường đang nổi nói chung.

Mặc dù tin rằng nền kinh tế Trung Quốc được cải thiện là một mối lợi ròng, ông Robertson vẫn thận trọng bởi triển vọng tăng trưởng cao hơn có thể dẫn tới việc tăng lạm phát. Ông Robertson coi tình trạng tăng giá phi mã tại Trung Quốc là một trong ba rủi ro hàng đầu cần theo dõi trong năm 2013, cùng với lãi suất trái phiếu châu Âu và chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ. Nếu lạm phát tăng cao, Trung Quốc có thể bị buộc phải thực thi các chính sách đối phó và khiến giá cổ phiếu Trung Quốc sụt giảm như trong gần hai năm qua. Nguy hiểm hơn là việc lạm phát tại Trung Quốc tăng có những tác động tiêu cực đối với các thị trường vốn trên thế giới bởi vì lạm phát thấp là yếu tố chủ chốt hỗ trợ sự phục hồi trong nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn Báo Tin tức


Sự kiện