Ca sĩ ảo Luo Tianyi biểu diễn cùng nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới Lang Lang vào năm 2019 tại Nhà thi đấu Mercedes-Benz ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Tư | 04/01/2023 16:49

Trào lưu thuê "người ảo" với mức lương khủng tại Trung Quốc

Từ dịch vụ khách hàng đến ngành công nghiệp giải trí, các doanh nghiệp ở Trung Quốc đang mạnh tay chi tiền cho các nhân viên ảo.

Công ty công nghệ Baidu cho biết số lượng dự án nhân viên ảo mà khách hàng đặt đã tăng gấp đôi kể từ năm 2021, với nhiều mức giá từ 2.800-14.300 USD/năm.

Nhân viên ảo là sự kết hợp giữa hoạt hình, công nghệ âm thanh và máy học để tạo ra những con người số hóa có thể hát và thậm chí tương tác trên các buổi livestream. Mặc dù trào lưu này đã nổi lên tại Mỹ từ lâu, thì hiện tại ở Trung Quốc mới ngày càng được ưa chuộng.

Ông Li Shiyan, người đứng đầu mảng kinh doanh người máy và người ảo của Baidu, cho biết đối tác đặt hàng loại hình này chủ yếu là các công ty dịch vụ tài chính, hội đồng du lịch địa phương và cơ quan truyền thông nhà nước.

Ông nói thêm, khi công nghệ được cải thiện, chi phí đã giảm khoảng 80% kể từ năm ngoái. Trung bình tốn khoảng 100.000 nhân dân tệ (14.300 USD) một năm cho nhân viên ảo ba chiều và 20.000 nhân dân tệ cho nhân viên ảo hai chiều.

 

Ông Li kỳ vọng ngành công nghiệp nhân viên ảo nói chung sẽ tiếp tục tăng trưởng 50% hàng năm cho đến năm 2025.

Tháng 8/2022, thành phố Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp nhân viên ảo thành một ngành trị giá hơn 50 tỉ nhân dân tệ vào năm 2025. Chính quyền thành phố cũng kêu gọi phát triển một hoặc hai “doanh nghiệp người ảo hàng đầu” với doanh thu hoạt động hơn hơn 5 tỉ nhân dân tệ mỗi doanh nghiệp.

Mùa thu năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch chi tiết để tích hợp ứng dụng thực tế ảo vào đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực phát thanh truyền hình và sản xuất.
 
Trong kế hoạch 5 năm mới nhất được tiết lộ vào năm ngoái, cơ quan nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi số hóa nền kinh tế nhiều hơn, bao gồm các ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Tìm kiếm thần tượng không có scandal

Từ góc độ kinh doanh, trọng tâm lớn nhất là cách nhân viên ảo có thể tạo ra nội dung sạch.

Ông Sirius Wang, Giám đốc sản phẩm và kiêm người đứng đầu thị trường Greater China tại Kantar cho biết các thương hiệu ở Trung Quốc đang tìm kiếm người phát ngôn thay thế sau khi nhiều người nổi tiếng gần đây vấp phải những tin đồn tiêu cực về trốn thuế hoặc bê bối cá nhân.

Các vũ công biểu diễn cùng những người ảo tại Lễ hội Cuộc sống Tương lai 2022 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Các vũ công biểu diễn cùng những người ảo tại Lễ hội Cuộc sống Tương lai 2022 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Ít nhất 36% người tiêu dùng đã theo dõi một influencer (người có ảnh hưởng) ảo hoặc một thần tượng được tạo từ công nghệ biểu diễn trong năm ngoái, theo một cuộc khảo sát do Kantar công bố vào mùa thu này.  Báo cáo cũng cho biết thêm khoảng 21% đã xem một sự kiện hoặc tin tức với người dẫn chương trình ảo.
 
Sắp tới trong năm 2023, Kantar cho biết có khoảng 45% nhà quảng cáo tiết lộ sẽ tài trợ cho tiết mục của influencer "ảo" hoặc có dự định mời một người ảo tham gia sự kiện của thương hiệu.

Tương lai của người ảo

Nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã và đang phát triển các sản phẩm trong ngành công nghiệp người ảo. Ứng dụng phát trực tuyến video và trò chơi Bilibili là một trong những đơn vị sớm nhất theo đuổi khái niệm người ảo.

Công ty đã mua lại nhóm sáng lập ca sĩ ảo Luo Tianyi, người có hình ảnh và âm thanh hoàn toàn do công nghệ tạo ra. Theo Bilibili, trong năm 2022, các nhà phát triển đã tập trung vào việc cải thiện kết cấu giọng hát của ca sĩ ảo bằng cách sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo.

Ra mắt năm 2012, Luo Tianyi có gần 3 triệu người hâm mộ và thậm chí từng biểu diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh năm ngoái.

Có thể bạn quan tâm: 

Người phụ nữ được tỉ phú Warren Buffet kính nể là ai?

Nguồn CNBC