Thứ Sáu | 23/10/2015 07:37

Tranh cãi cách thiến kẻ hiếp dâm trẻ em

Trước tình trạng nhức nhối trẻ em bị xâm hại tình dục, chính phủ Indonesia quyết định sẽ "thiến" những tên yêu râu xanh để trừng phạt.

Ở Ấn Độ, sau thảm kịch kinh hoàng xảy ra ngay giữa thủ đô New Delhi hôm 16/12/2012, Quốc hội đã thảo một dự luật chống hiếp dâm, trong đó đề xuất việc xử tội này bằng biện pháp thiến hóa chất kết hợp với án tù lên tới 30 năm.

Thủ tướng Manmohan Singh thì phát biểu: "Chính phủ đã quyết định xem xét lại luật hiện hành và các mức hình phạt trong các trường hợp tấn công tình dục nghiêm trọng".

Ở Việt Nam, hình phạt "thiến hóa học" cũng từng gây nhiều tranh cãi

Ở Việt Nam, tội hiếp dâm được quy định tại Điều 111, BLHS năm 2009 thì hình phạt cao nhất dành cho tội phạm tình dục chỉ đến mức chung thân. Tuy nhiên, đối với tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS) thì hình phạt cao nhất là tử hình.

Khoảng năm 2013, tình trạng xâm hại tình dục, đặc biệt là "ấu dâm" diễn ra nghiêm trọng và có xu hướng tăng mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên xem xét và áp dụng hình phạt "thiến hóa học" đối với yêu râu xanh.

Ý tưởng này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia pháp lý, xã hội học, các đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, với những rào cản về tâm lý, tập tục, tính nhân văn... khả năng cho phép thi hành hình phạt này ở nước ta có lẽ vẫn còn khá xa vời.

Luật sư Phạm Thị Loan, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho biết: "Thực ra hình phạt này đã được áp dụng rất thành công ở một số nước như Mỹ, Anh, Đức, Nga... Mới đây nhất, quốc gia châu Á đầu tiên là Hàn Quốc cũng đi tiên phong trong áp dụng hình phạt này. Tại Việt Nam, vấn đề cũng đang tranh luận gay gắt trên báo chí nhưng tôi được biết chưa có cơ quan hay tổ chức nào đề xuất mà là ý tưởng của một đại biểu quốc hội".

Theo ý kiến của bà Dương Thị Thanh Mai, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam): "Cần thiết chúng ta phải tham khảo ý tưởng của các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý, xã hội học. Ở nước ngoài, họ đã thực hiện nhưng chưa có một tổng kết, đánh giá xem bao nhiêu phần trăm số người ủng hộ, bao nhiêu phản đối, hệ quả đi vào cuộc sống ra sao. Cũng cần so sánh xem tâm sinh lý của người nước ngoài có tương đồng với người Việt hay không, trên cơ sở đó mới xem xét tham khảo".

Bà Mai cũng bày tỏ quan điểm, nếu các nước tổng kết thấy hiệu quả, các nhà khoa học trong nước sau khi "cân đong đo đếm" thấy rằng, không ảnh hưởng đến tính nhân văn thì hoàn toàn có thể xem xét ý tưởng trên. "Không thể phủ nhận, có một số đối tượng phạm tội vô cùng nghiêm trọng. Nếu không dùng biện pháp kiềm chế tính dục của họ sẽ không đảm bảo an toàn cho xã hội. Theo tôi, ý tưởng này cũng cần được nghiên cứu toàn diện xem có phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện cơ sở vật chất của nước ta hay không", bà Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Văn Tám, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì cho rằng: "Bẩm sinh con người sinh ra đã được ban tặng cho những chức năng. Chính vì vậy, luật pháp không nên can thiệp quá thô bạo bằng hóa học hay sinh học vào những chức năng đó. Luật pháp đảm bảo nghiêm minh nhưng cũng phải tính đến khía cạnh nhân văn. Đối với người phạm tội là vị thành niên thì phải có các biện pháp giáo dục giúp đỡ, kể cả các biện pháp giáo dục bắt buộc ngoài gia đình để thiết lập lại trật tự xã hội. Điều này sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc trẻ hoá tội phạm ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp, nguy hiểm".

Vân Anh (Tổng hợp)