Thứ Năm | 06/06/2013 10:27

Trần lãi suất và hạn chế cho vay: Bài học từ Mỹ

Các biện pháp như trần lãi suất hay hạn chế cho vay với từng ngành có thể ngăn rủi ro quá mức hiệu quả, nhưng lại khó được công chúng ủng hộ.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang không biết phải làm sao: dù phải giữ lãi suất thấp và mua trái phiếu để hỗ trợ kinh tế nhưng làm vậy cũng là khuyến khích chấp nhận rủi ro quá mức.

Trên lý thuyết, ngân hàng trung ương có thể dùng quyền quản lý giám sát để can thiệp vào từng thị trường tín dụng cụ thể trong khi chính sách tiền tệ chung vẫn dùng để giải quyết lạm phát và việc làm.

Tuy thế, nói vẫn dễ hơn làm, nhất là sau khi ta nhìn vào lịch sử. "Thận trọng vĩ mô" (macroprudential) có thể là một thuật ngữ mới, nhưng Mỹ đã thử nhiều phiên bản của nó trong hàng thập kỷ nay, từ hạn chế tín dụng tới giới hạn số tiền trả trước khi vay thế chấp mua nhà.

Theo nghiên cứu của Douglas Elliott từ Viện Brookings, Greg Feldberg từ Bộ Tài chính và Andreas Lehnert từ Fed, lịch sử có vẻ không ủng hộ lắm với chính sách dạng này. Có kiểm soát là có lách luật, nếu không lách được thì dùng áp lực chính trị để bỏ luôn kiểm soát.

Theo các tác giả, đánh giá hiệu quả của chính sách thận trọng vĩ mô rất phức tạp vì thiếu dữ liệu, quá nhiều cơ quan quản lý và thị trường, mà ranh giới giữa những thay đổi pháp lý vĩnh viễn hay chỉ mang tính tạm thời lại khó phân định.

Nhìn chung, các biện pháp "thận trọng vĩ mô" là nhằm kiểm soát cung cầu tín dụng.
Dự trữ bắt buộc và trần lãi suất

Áp lực từ cơ quan quản lý, dự trữ bắt buộc và trần lãi suất đều từng được dùng để kiểm soát cung tín dụng, nhưng chặn được cửa ngân hàng thì các tổ chức khác nhảy vào thế chân.

Năm 1929, Fed biết chứng khoán tăng điểm là do đầu cơ nên đã chỉ đạo các ngân hàng ngừng cho vay chứng khoán. Tín dụng ngân hàng giảm "nghiêm chỉnh", nhưng tổng tín dụng vẫn tăng vì các doanh nghiệp khác nhảy vào do ham lãi suất cao.

Từ năm 1935, Fed có quyền dùng công cụ dự trữ bắt buộc để điều tiết chu kỳ kinh doanh.

Các tác giả phát hiện thấy từ 1948 đến 1980, tăng dự trữ bắt buộc chỉ làm giảm nhẹ tín dụng ngân hàng. Với tổng tăng trưởng tín dụng, công cụ này chằng có tác dụng gì vì ngân hàng không cho vay được thì đã có các tổ chức phi ngân hàng.

Hai thập niên 1960 và 1970, các ngân hàng lớn tìm ra cách huy động vốn để lách luật nên Fed phải viết lại toàn bộ quy định về dự trữ bắt buộc.

Trần lãi suất cũng gặp vấn đề tương tự. Khi lãi suất thị trường bắt đầu tăng trong thập niên 1950, tiền gửi tiết kiệm chảy từ ngân hàng sang các tổ chức không bị giới hạn bởi trần lãi suất.

Chính sách này giúp hạn chế tín dụng và lạm phát, nhưng chủ yếu các ngân hàng nhỏ chịu thiệt còn các ngân hàng lớn đã nhanh chóng đa dạng hóa nguồn vốn huy động của mình.

Kiểm soát cầu tín dụng

Tới thập niên 70, các quỹ trên thị trường tiền tệ ra đời trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Kết quả là tiền gửi tiết kiệm chạy hết ra khỏi ngân hàng và cơ quan lập pháp buộc phải bãi bỏ trần lãi suất.

Về kiểm soát cầu tín dụng, cơ quan quản lý có thành công hơn. Năm 1941, tổng thống Franklin Roosevelt lợi dụng Đạo luật về Buôn bán với kẻ thù năm 1917 để ủy quyền cho Fed hạn chế cho vay trả góp. Ý ông muốn hạn chế tiêu dùng để lấy nguồn lực cho chiến tranh.

Fed dùng công cụ này để giảm lạm phát trong khi lãi suất vẫn thấp để phục vụ cho mục đích huy động tiền của Bộ Tài chính. Các tác giả phát hiện thấy thắt chặt kiểm soát thường làm tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Năm 1950, quyền hạn của Fed mở rộng sang cho vay mua nhà. Tháng 10 năm đó, Fed đưa ra mục tiêu cụ thể: giảm số nhà xây mới đi 1/3 trong năm tiếp theo.

Để thực hiện mục tiêu này, Fed đặt ra tỷ lệ tiền vay trên tổng giá trị nhà và giới hạn cả quy mô khoản vay. Rút cục, số nhà xây mới giảm (dù chỉ1/4 thay vì 1/3).
Rất dễ cô đơn

Dù có tác dụng, nhưng kiểm soát tín dụng rất mất lòng người. Trong một buổi điều trần tại quốc hội, một lãnh đạo ngân hàng gọi đây là "một bước dài tiến tới kế hoạch hóa tập trung". Năm 1952, Quốc hội tước quyền kiểm soát tín dụng của Fed.

Năm 1969, Quốc hội phục hồi quyền này thông qua Đạo luật Kiểm soát tín dụng, với hy vọng Fed có thể nhắm tới một số ngành cụ thể mà không làm ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế khi phải tăng lãi suất.

Đạo luật này tồn tại tới tận năm 1980 và luôn được tổng thống Jimmy Carter dùng làm công cụ chống lạm phát. Khi ấy Fed áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hơn đối với cho vay bằng thẻ tín dụng và cho vay cá nhân, và (lần đầu tiên) là với các các quỹ trên thị trường tiền tệ.

Các biện pháp kiểm soát thành công rực rỡ: tín dụng giảm mạnh, kể cả trong những ngành được ngoại trừ như ô tô và cho vay mua nhà. Tuy vậy, Mỹ rơi vào suy thoái nhanh nhưng rất sâu, khiến các biện pháp kiểm soát kể trên đều bị dỡ bỏ.

Thực tế, vào giữa thập niên 1980, phần lớn các hạn chế về tín dụng đều đã bị bãi bỏ và Fed chỉ còn dựa vào lãi suất để điều tiết cầu tín dụng và cho vay.

Tuy vậy, cơ quan giám sát vẫn đưa ra cảnh báo, ví dụ như với cho vay dưới chuẩn vào năm 1999 hay với cho vay mua nhà và bất động sản thương mại năm 2005. Những lời cảnh báo này không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng tín dụng, phần là vì quá nhiều tổ chức cho vay không chịu điều tiết như ngân hàng.

Tuy thế, các tác giả còn lưu ý thêm, đây là đợt mở rộng tín dụng lớn đầu tiên của nước Mỹ mà trách nhiệm giám sát của ngân hàng trung ương không có các công cụ đi kèm như thắt chặt chính sách tiền tệ, trần lãi suất hay kiểm soát tín dụng.

Đây đó người ta có dành lời hay ý đẹp cho các biện pháp kiểm soát tín dụng, nhưng ít người nói tới chuyện lại áp dụng chúng.

Lý do là để có tác dụng, phải cần vô số các cơ quan khác nhau phối hợp kiểm soát hàng loạt phân khúc trên thị trường tín dụng. Mà chắc chắn, nhiều chính trị gia sẽ chống đối tới cùng.

Nguồn CafeF


Sự kiện