Trái phiếu châu Âu giúp giải quyết khủng hoảng nợ như thế nào?
Thị trường trái phiếu đã luôn là một mặt trận chủ yếu trong cuộc khủng hoảng trong đó những nước như Ireland và Hy Lạp đã chiến đấu và đã không thể trụ lại nếu không có các khoản vay cứu trợ. Một trái phiếu châu Âu liên kết có thể là một phương thức cho phép những nền kinh tế yếu hơn có thể nhờ cậy vào những nền kinh tế mạnh hơn. Nó cũng giúp thúc đẩy sự hòa nhập tài khóa của toàn khu vực.
Các nhà lãnh đạo của châu Âu vẫn chưa thể đi đến thống nhất về loại hình của trái phiếu châu Âu hay thậm chí là liệu chúng có nên tồn tại hay không. Đức vì lo sợ làm gia tăng gánh nợ thuế cho công dân của mình cho các gói cứu trợ đặc biệt là trong bối cảnh trước các cuộc bầu cử cuối năm nay, đã án binh bất động.
Tổng thống mới của Pháp, Francois Hollande sẽ kế bước người tiền nhiệm của mình Nicolas Sarkozy ủng hộ ý kiến này.
Một chuyên gia cho biết những nhân tố quan trọng khiến những nhà lãnh đạo của eurozone có thể chuyển sang ủng hộ trái phiếu châu Âu có thể bao gồm tình trạng hỗn loạn của việc Hy Lạp có thể sẽ không sử dụng đồng euro nữa hay sự mất giá của chính đồng tiền này.
Dường như có hai luồng ý kiến về việc làm thế nào để bắt đầu áp dụng trái phiếu châu Âu: Một ý kiến là sáp nhập tất cả các khoản nơ hiện nay thành một khoản nợ chung. Ý kiến thứ hai có thể sẽ làm người Đức dễ chịu hơn là một quỹ trao đổi nợ và sự chia sẻ chính sách tài khóa.
Năm ngoái, Chính phủ Đức đã nhận ra rằng eurozone cần phải tiến đến hình thành liên minh tài khóa nếu không sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn. Nhưng để làm được điều đó, khả năng về rủi ro đạo đức cần phải được loại bỏ trước.
Ý tưởng này gợi nhớ đến đề xuất về Trái phiếu Xanh được đưa ra bởi 2 nhà kinh tế là Jakob von Weizsacker và Jacques Delpla vào năm 2010. Họ cho rằng các nước liên minh châu Âu cần tập hợp khoản nợ để chúng chiếm 60% GDP và trở thành khoản nợ chính của liên minh. Bất kỳ khoản nợ nào vươt quá giới hạn này chỉ nên được cho là khoản nợ của từng quốc gia và được xử lý với những thủ tục riêng của quốc gia đó.
Một trong những giải pháp được đề xuất về vấn đề này đã được đưa ra vào mùa hè năm ngoái. Ý tưởng này lấy đề xuất Trái phiếu Xanh làm điểm khởi đầu và chính phủ chỉ nên phát hành nợ dưới dạng eurobond cho đến khi các khoản nợ lên 60% GDP. Trên mức 60%, họ sẽ phát hành nợ riêng rẽ, vì thế trái phiếu liên kết này sẽ được đảm bảo an toàn.
Chuyên gia đưa ra ý kiến này cũng cho biết thêm là ông chưa thay đổi ý kiến của mình về việc mô hình này sẽ có hiệu quả với trái phiếu châu Âu từ tháng 8 vừa qua. Ông nhấn mạnh rằng nguy cơ của việc khoản nợ quốc gia của một nước thành viên bị coi nhẹ sẽ có thể được giảm đi bằng cách làm cho những nước đã không thể thanh toán các khoản nợ này của mình cũng bị vỡ nợ đối với các khoản nợ của khu vực.
Một cơ quan tài khóa độc lập phát hành những trái phiếu mới sẽ là chìa khóa thành công cho kế hoạch này. Cơ quan tài khóa này cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan tiền tệ của ngân hàng Trung ương châu Âu nhưng vẫn phải duy trì được sự độc lập của mình. Cơ quan tài khóa này có thể cũng cần phải hoạt động độc lập với các quốc gia thành viên với một người đứng đầu được bầu chọn bởi các nước này. Việc xây dựng các chính sách tài khóa cần phải được hợp thức hóa một cách dân chủ.
Nguồn MarketWatch/DVT