Trà sữa trân châu có nguồn gốc từ Đài Loan, xuất hiện vào cuối những năm 1980. Ảnh: Bloomberg.
Trà sữa giá rẻ tạo nên loạt tỉ phú Trung Quốc
Ngày 23/4, Baicha Baidao, chuỗi trà sữa lớn thứ 3 Trung Quốc, dự kiến bắt đầu giao dịch, với mục tiêu huy động hơn 300 triệu USD trong đợt niêm yết lớn nhất tại Hong Kong kể từ tháng 11/2023. Mức định giá này sẽ mang lại cho ông Wang Xiaokun và bà Liu Weihong, cặp vợ chồng đồng sáng lập thương hiệu, tổng tài sản ròng là 2,7 tỉ USD, dựa trên 73% cổ phần mà cả 2 sở hữu sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, theo Bloomberg Billionaires Index.
Chiến lược giá rẻ
Tuy nhiên, bức tranh chung của thị trường lại không mấy sáng sủa, nhất là trong bối cảnh Hong Kong, từng là một trong những thị trường sầm uất nhất cho các giao dịch, đã mất đi sự hấp dẫn khi cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá do suy thoái kinh tế.
Baicha Baidao nổi tiếng với việc cung cấp trà sữa với mức giá phải chăng. Ảnh: Bloomberg. |
“Thị trường không còn hào phóng với ngành trà sữa như trước. Chi tiêu của người dân Trung Quốc chưa hồi phục hẳn, do đó lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn còn là một ẩn số”, ông Kenny Ng, Chiến lược gia tại Everbright Securities International, cho biết.
Trà sữa trân châu có nguồn gốc từ Đài Loan, xuất hiện vào cuối những năm 1980, với các quẩy nhỏ được bày bán gần các trường học và văn phòng. Từng là một trào lưu bùng nổ, nhưng hiện tại hàng ngàn thương hiệu đang tranh giành sự chú ý từ những người yêu trà khắp Trung Quốc, và cũng đã có vô số cửa hàng mọc lên ở Mỹ và châu Âu.
Giống như Starbucks, các chuỗi trà sữa Trung Quốc mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn. Trà sữa có thể kết hợp với nhiều loại trà nền (trà đen, trắng, xanh hoặc pu'er, có hoặc không có sữa), cùng với loại trái cây tươi (như dâu tằm, bưởi, dâu tây, cam), các loại trân châu khác nhau (như viên trân châu sẫm màu truyền thống, pha lê, xương rồng, khoai môn và nhiều loại khác), các topping (đậu đỏ, thạch trái cây, kem phô mai phủ lên bề mặt) và các mức độ ngọt và lạnh khác nhau. Để tăng thêm hương vị, một số chuỗi sáng tạo cách pha chế độc lạ, khi thêm một chút rượu Moutai, loại rượu truyền thống của Trung Quốc.
“Cuộc sống khó khăn, và một chút ngọt ngào khiến tôi thấy hạnh phúc” là câu trả lời phổ biến nhất cho câu hỏi “Tại sao bạn mua trà sữa” trong cuộc khảo sát được Minsheng Securities trích dẫn.
Được biết đến với cái tên là Chabaidao, nghĩa là 100 vị trà, Baicha Baidao nổi tiếng với việc cung cấp trà sữa với mức giá phải chăng. Được thành lập vào năm 2008, cửa hàng đầu tiên có diện tích 20 m2 gần một trường trung học ở Thành Đô, hiện thương hiệu đã có hơn 8.000 cửa hàng trên toàn Trung Quốc. Tháng 1 vừa qua, Baicha Baidao mở một chi nhánh tại Seoul, là cửa hàng đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.
Baicha Baidao bán một ly trà sữa 500 ml với giá chỉ hơn 2 USD, trong khi mức giá trung bình của thị trường là 5 USD. Chiến lược này đã mang lại hiệu quả đáng kể. Doanh thu của chuỗi cửa hàng tăng hơn 56%, lên 5,7 tỉ nhân dân tệ (787 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2023, theo hồ sơ IPO của Baicha Baidao.
Những "gã khổng lồ" chật vật
Bên cạnh Baicha Baidao, thị trường trà sữa Trung Quốc còn có sự góp mặt của thương hiệu Mixue. Được thành lập vào năm 1997, thương hiệu này là chuỗi cửa hàng đồ uống lớn thứ 2 trên toàn cầu sau Starbucks, với hơn 32.000 cửa hàng trải dọc khắp Trung Quốc và 4.000 cửa hàng tại 11 quốc gia khác. Với nguồn vốn từ các nhà đầu tư uy tín như nhánh đầu tư của Meituan và Hillhouse Investment Management, Mixue được định giá 23,3 tỉ nhân dân tệ, nâng tài sản ròng của mỗi nhà sáng lập lên 1,5 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc trì trệ, còn người tiêu dùng lo lắng về lạm phát và thắt chặt chi tiêu, ngày càng nhiều thương hiệu trà sữa phải giảm giá bán. Guming Holdings, chuỗi trà sữa lớn thứ 2 Trung Quốc với khoảng 9.000 cửa hàng và Auntea Jenny, thương hiệu lớn thứ 4, đều đã nộp hồ sơ IPO tại Hong Kong. Cả 2 thương hiệu này đang bán các thức uống với giá dưới 3,5 USD cho mỗi ly.
Mixue là chuỗi cửa hàng đồ uống lớn thứ 2 trên toàn cầu sau Starbucks. Ảnh: Bloomberg. |
Những thương hiệu trà sữa cao cấp như Nayuki Holdings, chuỗi cửa hàng có 1.800 chi nhánh đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong 3 năm trước, cũng đang gặp khó khăn trước sự bùng nổ nhanh chóng của các đối thủ giá rẻ. Nayuki buộc phải giảm giá một ly xuống còn khoảng 2,5 USD, sau khi trải qua đợt suy giảm gần 90% giá cổ phiếu do lo ngại về cạnh tranh. 2 nhà sáng lập của thương hiệu từng là tỉ phú, nhưng giá trị tài sản ròng hiện chỉ còn dưới 300 triệu USD, giảm mạnh so với mức 2,2 tỉ USD vào năm 2021.
“Từng là mảnh đất sản sinh ra những tỉ phú, thị trường trà sữa tại Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức với tính cạnh tranh cao trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái”, ông Steven Nie, nhà phân tích tại Daiwa Capital Markets, nhận định.
Có thể bạn quan tâm:
Thị trường tiêu dùng Ấn Độ bùng nổ và sẽ "soán ngôi" Trung Quốc?
Nguồn Bloomberg