TPP có thể đình trệ 2 năm nếu TPA không được thông qua
Tuy nhiên, do Chương trình Hỗ trợ Lao động (TAA) bị bác bỏ nên vẫn còn cần một cuộc bỏ phiếu cuối cùng diễn ra vào ngày 16/6.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể bị đình trệ trong 2 năm trừ khi TPA được thông qua cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong 2 tuần tới.
Việc Hạ viện Mỹ thông qua TPA ngày 13/6 sẽ thúc đẩy tiến trình hoàn tất TPP, nhưng vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng do chương trình hỗ trợ lao động bị mất việc (TAA) từ ảnh hưởng của TPP đã bị bác bỏ (126 thuận- 302 chống). Theo quy định, cả 2 dự luật này (TPA và TAA) cần phải được thông qua cùng lúc. Do đó, sẽ có một cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 16/6.
Ông Groser cho biết kết quả ngày 16/6 sẽ xác định cuộc họp cấp bộ trưởng tháng tới về TPP có hoàn tất được hiệp định này hay bị tạm ngưng. Nếu TPA được thông qua, mọi việc sẽ tiến hành theo đúng dự định. Trong trường hợp ngược lại, rất có thể TPP sẽ bị đình trệ thêm 2 năm nữa.
Theo phe chống TPP, các nghị sĩ đang lo lắng về những ảnh hưởng của hiệp định thương mại này đối với người dân Mỹ. Điều này đã được kiểm chứng trong Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây.
Mặc dù vậy, cả Nhật Bản và Australia đều vẫn lạc quan về TPP. Giám đốc điều hành Diễn đàn Doanh nghiệp Quốc tế New Zealand (NZIBF) Stephen Jacobi nhận định TPA vẫn có cơ hội được thông qua trong tuần tới. Theo ông, đề xuất TPA và TAA có thể được xem xét phê chuẩn riêng biệt chứ không nhất thiết phải được chấp thuận cùng một lúc như hiện nay.
Quan điểm của bà Hilarry Clinton
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ đã thông qua TPA nhưng từ chối thông qua TAA tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu ngày 13/6, bất chấp bài tuyên bố mang tính kêu gọi của ông Obama chỉ vài giờ trước khi cuộc họp diễn ra. Ứng viên tổng thống Hilarry Clinton hiện cũng đang chịu rất nhiều sức ép phải thể hiện lập trường đối với TPP.
Trong quá khứ, bà Clinton rất dè dặt khi thể hiện quan điểm về các hiệp định thương mại tự do.
Bà Clinton hiện cho biết không muốn thể hiện quan điểm cụ thể quá sớm nhằm tạo điều kiện cho nghị viện có thể xem xét đầy đủ về TPP mà không bị ảnh hưởng bởi chính trị và cuộc vận động tranh cử tổng thống. “Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng tổng thống và đội ngũ của ông có thể sẽ phải thương thuyết khó khăn hơn (với nghị viện)” bà nói.
Tuy nhiên, vị ứng cử viên tổng thống số 1 của Đảng Dân đưa ra một số chỉ trích đối với hiệp định thương mại này, nhằm thu hút cử tri từ các công đoàn lao động, các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường và nhiều tổ chức xã hội khác.
Theo tuyên bố của bà Clinton, các tập đoàn dược phẩm Mỹ hưởng lợi từ TPP nên giám giá các sản phẩm bán cho những chương trình xã hội của chính phủ, như chương trình chăm sóc y tế Medicare hỗ trợ cho người cao tuổi của Mỹ.
“Những công ty dược phẩm của chúng ta, nếu họ sắp đạt được những gì họ muốn (TPP), họ nên đóng góp nhiều hơn cho nước Mỹ”, bà nói.
Ứng cử viên Clinton cũng đồng quan điểm với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren khi cho rằng Hiệp định thương mại trên cung cấp quá nhiều quyền lực cho giới kinh doanh hơn là cho toàn thể người dân Mỹ. Bà Clinton nói ông Obama nên thương thảo với phe chống TPP trong Đảng Dân chủ để có thể tìm ra giải pháp. Nếu tổng thống Obama không thể tìm được cách giải quyết tốt nhất thì “không nên có thỏa thuận thương mại nào cả.”
Mặc dù vậy, quan điểm chính xác của ứng cử viên Clinton về các hiệp định thương mại tự do vẫn chưa được xác định khi chồng của bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, là người đã ký hiệp định NAFTA năm 1993.
Quyền TPA cho phép Tổng thống Obama đàm phán với các nước thành viên TPP mà không cần có sự can thiệp của Nghị viện. Nghị viện Mỹ chỉ có quyền bỏ phiếu phê chuẩn hoặc không mà không thể thay đổi các điều khoản trong hiệp định.
Nguồn NDH