"TPP 2.0" có thể chỉ có 5 thành viên tham gia
Một ý tưởng mới vừa xuất hiện, theo đó Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể có hiệu lực trước với ít nhất 5 quốc gia, theo các nguồn tin có tham gia đàm phán cho biết vào ngày thứ Tư 3/5.
Trong cuộc họp 2 ngày vừa kết thúc của đại diện 11 nước tham gia TPP (trừ Mỹ), Nhật Bản vẫn bảo lưu quan điểm tiếp tục duy trì TPP dù không có Mỹ bằng cách chỉnh sửa lại chút ít bản thỏa thuận ban đầu.
Nhưng một số quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam và Malaysia, vốn từng hy vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, được cho là không hào hứng với một TPP mà không có Mỹ.
Chile và Peru cũng có cùng quan điểm với Việt Nam, theo các nguồn tin cho biết. Canada và Mexico thì cũng không hứa hẹn gì nhiều vì họ đang chuẩn bị đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ.
Nếu những khác biệt giữa 11 quốc gia không được khỏa lấp, giải pháp TPP gồm ít nhất 5 quốc gia có thể được tính đến, với các thành viên là Singapore, Brunei, Nhật Bản, New Zealand và Úc.
Tokyo cũng đã từng bày tỏ sự miễn cưỡng với một TPP không có Mỹ, do các nhà xuất khẩu lớn của Nhật Bản, chẳng hạn như ngành ô tô, đều xem Mỹ là thị trường tối quan trọng.
Nhưng trong bối cảnh tự do thương mại đang bị đe dọa với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, nội bộ chính phủ Nhật đã có nhiều lời kêu gọi rằng nước này nên giữ vai trò tiên phong cho TPP.
Nhà đàm phán chính của Nhật Bản là Thứ tưởng Thương mại Keiichi Katakami nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng ông kêu gọi sự đoàn kết giữa 11 nước trong việc xây dựng kế hoạch tương lai cho TPP.
Ông cũng nói rằng các đại biểu tham dự đồng ý tiếp tục thảo luận về tính khả thi của TPP, mặc dù ông thừa nhận rằng vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau giữa các đại biểu.
Ông Katakami nói rằng: "Có một qaun điểm chung là 11 quốc gia chúng ta nên tiến lên phía trước để tạo động lực mới cho TPP",
Các cuộc đàm phán đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra khi các bộ trưởng thương mại của các nước nhóm họp vào cuối tháng này. Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được thoả thuận mới vào giữa tháng 11 khi hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Việt Nam.
TPP đã được ký kết vào tháng 2/2016 bởi Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này cùng nhau chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.
Theo các quy định hiện hành, việc thực thi TPP đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của các quốc gia chiếm 85% GDP của khối. Thỏa thuận này sau đó đã bị coi như không hiệu lực khi Hoa Kỳ rút lui vì nước này chiếm trên 60% GDP của khối.
Bá Ước
Nguồn Mainichi