Nikkei
TPP-11 đạt đồng thuận về nguyên tắc bên lề APEC Việt Nam
Sau nhiều tháng đàm phán, 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP -11) đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc ở cấp Bộ trưởng, một quyết định có thể định hình tương lai kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới.
"11 quốc gia đã đạt được một sự đồng thuận cấp Bộ trưởng", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên sau khi các cuộc đàm phán kết thúc vào cuối ngày thứ 5 (9/11) bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việc tạo ra một quy tắc thương mại mới, tự do và công bằng ở khu vực có mức tăng trưởng cao như khu vực châu Á Thái Bình Dương có ý nhĩa rất quan trọng.
Nguồn tin thân cận của Nikkei cho biết các thoả thuận về việc loại bỏ thuế quan từ TPP gốc vẫn không bị ảnh hưởng.
Các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia muốn chính thức đạt được thoả thuận này vào hôm nay và đưa ra các chi tiết của hiệp định thương mại sửa đổi.
Sự đồng thuận này là một thành tựu quan trọng của "TPP-11", vốn đã mất nhiều tháng để cứu vãn hiệp định này sau khi Mỹ rút khỏi cuộc họp khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Ảnh hưởng kinh tế của hiệp định này sẽ nhỏ hơn nhiều nếu không có Mỹ khi mà TPP-11 chỉ chiếm 13,5% GDP và 15,2% khối lượng thương mại toàn cầu, so với lần lượt là 38,2% và 26,5% khi có Mỹ . Tuy nhiên, hiệp định này thể hiện một mục tiêu chung của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương rằng thương mại đa phương là tương lai cho họ.
Các cuộc đàm phán TPP bắt đầu vào năm 2010 với chỉ có tám quốc gia là Úc, Brunei, Chilê, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ, bốn nước khác là Nhật Bản, Malaysia, Canada và Mexico - đã xin tham gia sau đó.
TPP-11 sẽ có hiệu lực khi quốc hội của một nửa trong số các nước thành viên của hiệp định phê chuẩn nó.
Giờ đây, trọng tâm đàm phán thương mại sẽ chuyển sang thủ đô Manila, nơi 16 thành viên hình thành nên Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 21. Mặc dù không có thỏa thuận nào có thể đạt được trong các cuộc đàm phán, những người ủng hộ tự do thương mại hy vọng thành công trong các cuộc đàm phán TPP sẽ gây áp lực cho các thành viên kém nhiệt tình của RCEP chấp nhận thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn trong thỏa thuận thương mại 16 bên này.
RCEP là một hiệp định thương mại và đầu tư lớn gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Philippines, Lào và Việt Nam) và Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.
Nguồn Nikkei