Thứ Tư | 10/09/2014 16:26

Tổng thống Ukraine ký luật mở đường trừng phạt Nga

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa ký thông qua luật trừng phạt đối với Nga và sẽ có hiệu lực ngay sau ngày ký.
Đạo luật này được Quốc hội Ukraine thông qua hôm 14/8 với việc trao quyền cho Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đóng băng tài sản, hạn chế hoạt động thương mại, hủy một phần hoặc toàn bộ việc vận chuyển tài nguyên, các chuyến bay và vận tải biển của Nga qua lãnh thổ Ukraine.

Ngoài ra, đạo luật cũng cấm hoặc hạn chế tàu biển của Nga vào khu vực cảng biển, máy bay Nga hạ cánh hoặc qua không phận Ukraine. Đạo luật cũng hoãn các hiệp định thương mại, các chương trình công nghiệp và dự án chung trong một số lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng.

Các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, thể thao và giải trí cũng bị hủy bỏ.

Đạo luật trên được thông qua trong bối cảnh cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây ngày càng căng thẳng. Một ngày sau khi EU công bố các lệnh trừng phạt mới, Nga cũng tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga có thể đóng cửa không phận, cấm các máy bay của EU quá cảnh hay qua không phận Nga.

Trong một diễn biến liên quan, Matxcơva cũng đang tìm cách ngăn cản các khách hàng của mình ở châu Âu tái xuất khí sang Ukraine nhằm làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng mà nước này sắp đối mặt trong mùa đông tới.

Nga đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ukraine từ tháng 6 do bất đồng về giá cả. Nhằm bù đắp thiếu hụt này, Ukraine đã cầu cứu các nguồn từ EU, chủ yếu thông qua “những dòng chảy ngược” - tái xuất khí nhập khẩu từ Nga thông qua các nước như Ba Lan, Hungary và Slovakia.

Ukraine sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này nếu EU không thể dàn xếp một thỏa thuận cung cấp khí giữa Matxcơva và Kiev.

Trong khi đó, EU thừa nhận, các biện pháp thị trường là không đủ nếu thiếu hụt khí đốt trầm trọng trong mùa đông tới, khi đó, EU sẽ phải tận dụng đến khí đốt dự trữ và khí hóa lỏng.

Ngoài ra, EU cũng muốn đơn giản hóa quá trình đấu thầu bán khí. Ví dụ, Slovakia (mua khí đốt Nga từ Đức) có thể trực tiếp chiết khí tại đường ống chính mà không cần phải chờ khí chuyển qua Đức rồi mới mua lại.

Nhìn chung, chiến lược trước hết của EU sẽ là giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và khí đốt bằng việc cải thiện tính hiệu quả của việc tiêu thụ và chuyển sang sử dụng các nhiên liệu có thể tái chế. EU cũng đẩy mạnh việc thiết lập giá khí đốt dựa trên thị trường giao ngay thay vì thông qua giá dầu.

Nguồn Theo DVO/Itar-tass


Sự kiện