Tổng thống Ukraine cần đối thoại với các lực lượng chính trị
Ông Symonenko đề nghị Tổng thống tiến hành đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị để tìm kiếm lối thoát ra khỏi khủng hoảng, cũng như thoát khỏi mọi mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội, an ninh quốc gia và lợi ích dân tộc.
Theo ông, một cơ quan tham vấn bao gồm các quan chức cao cấp nhất, lãnh đạo các khối đại biểu trong quốc hội, các nhà hoạt động xã hội và tôn giáo có uy tín, đại diện giới trí thức... sẽ giải quyết được những bất đồng hiện nay.
Ông Symonenko cực lực lên án hành động của các thành viên cực đoan thuộc đảng chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa "Tự do" phá hoại tượng đài lãnh tụ vô sản V.I.Lenin tại quảng trường Bessarabckaya ở trung tâm thủ đô Kiev, và gọi đây là hành động châm ngòi thù hận.
Ông Symonenko cảnh báo hành động này đang "đe dọa những người bất đồng, phá hoại nhà nước Ukraine, kể cả bằng cách chia cắt lãnh thổ."
Cơ quan điều tra Bộ Nội vụ Ukraine hiện đã tiến hành cuộc điều tra về vụ phá hủy tượng Lenin ở trung tâm Kiev.
Đề cập tới những người biểu tình tại Kiev, ông Symonenko kêu gọi những người bảo vệ quyền của mình không ngả theo hành động khiêu khích, không tiếp tay cho những kẻ lợi dụng giới sinh viên và học sinh hòng biến thanh niên thành "lá chắn sống," sẵn sàng hủy hoại mọi thứ trên đường đi của mình.
Ông Symonenko nhắc nhở đến các sự kiện trong cuộc "Cách mạng Cam" năm 2004, nhằm chỉ trích những hứa hẹn đã được đưa ra với nhân dân hồi đó và sau đã không được thực hiện.
Trong ngày 8/12, khoảng vài chục nghìn người đã tham gia các hành động của phe đối lập ở trung tâm thủ đô Kiev.
Vào giữa trưa, các thủ lĩnh của phe đối lập đã đưa ra gói yêu sách cứng rắn mang tính chất tối hậu thư đối với Tổng thống và Chính phủ, trong đó yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Mykola Azarov phải từ chức, xem xét lại toàn bộ cơ cấu chính quyền tại Ukraine thông qua bầu cử tổng thống và quốc hội.
Phe đối lập còn yêu cầu thả ngay lập tức tất cả các thành viên đối lập bị bắt trước đó và trừng phạt những nhân viên cơ quan sức mạnh đã tham gia giải tán mạnh tay cuộc biểu tình tại Kiev vào đêm 29/11.
Các yêu sách này phải được thực hiện trong ngày 9/12.
Trong lúc này, đảng cầm quyền "Các khu vực" cũng tổ chức một cuộc biểu tình đáp trả. Tuy nhiên, cuộc biểu tình ủng hộ đường lối của chính phủ này mang tính chất hòa bình, chủ yếu dùng âm nhạc để át đi các khẩu hiệu phản đối.
Thêm vào đó, hàng rào cảnh sát ngăn giữa hai cuộc biểu tình đã không để xảy ra đụng độ. Cơ quan an ninh quốc gia Ukraine (SBU) cũng không đứng ngoài các diễn biến.
Theo nữ phát ngôn viên của SBU Lada Safonova, SBU đã mở cuộc điều tra "các hành động chiếm quyền lực nhà nước của một số chính trị gia."
Hãng tin Nga ITAR-TASS dẫn nguồn tin thân cận với các cơ cấu sức mạnh của Ukraine, cho biết cuộc điều tra nhắm vào một số chính trị gia đối lập đã liên tục trong suốt cái gọi là "veche" ("phong trào tập hợp toàn dân") kêu gọi thay đổi thể chế hiến pháp và dùng sức mạnh chiếm chính quyền.
Những người bị kết tội phạm các cáo buộc này có thể bị ngồi tù từ 5 đến 10 năm.
Trong bối cảnh biểu tình phản đối chính phủ leo thang tại Ukraine, ngày 8/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã điện đàm trực tiếp với Tổng thống V.Yanukovych, kêu gọi dùng đối thoại hòa bình để làm dịu các căng thẳng chính trị trong nước.
Ông bày tỏ mối lo ngại lớn và nhấn mạnh không thể để xảy ra bạo lực trong biểu tình. Đáp lại, Tổng thống Yanukovych đã cam kết với Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ bắt đầu tham vấn để hạ nhiệt tình hình trong nước.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng đã điện đàm với ông Yanukovych, kêu gọi tuân thủ các quyền và tự do cơ bản của người dân Ukraine.
Ông Barroso một lần nữa nhắc lại với ông Yanukovych các nguyên tắc hành động cơ bản trong bối cảnh hiện nay, đó là kiềm chế, thực hiện quyền và tự do công dân, tiến hành đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị và nhận thức rõ rằng giải pháp hòa bình là lối thoát duy nhất cho khủng hoảng.
Biểu tình phản đối quyết định dừng liên kết với Liên minh châu Âu (EU) do phe đối lập Ukraine khởi xướng từ ngày 24/11. Cho đến nay, các nhà tổ chức tuyên bố đã thu hút hàng triệu người tham gia trên cả nước.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình cũng cho thấy sự chia rẽ tại Ukraine. Nếu như tại thủ đô và một số thành phố miền Tây có hàng nghìn người tham gia, thì tại Odessa và các thành phố của Crimea chỉ có vài trăm người tham gia biểu tình./.
Nguồn Vietnamplus