Tổng thống Putin phá thế cấm vận của EU chống Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin tươi cười đón tiếp Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades mới đây tại Mátxcơva. Ông hoan nghênh quan hệ với quốc gia vùng Địa Trung Hải như người bạn thật sự chân thành, đôi bên cùng có lợi và đồng ý dành cho khoản vay 2,5 tỷ USD.
New York Times nhận xét sự thay đổi từ thái độ giận dữ trước đó với Cyprus sang những tuyên bố hữu nghị lâu dài thể hiện ông Putin là một chính khách khôn ngoan với chiến thuật rất linh hoạt. Nó cũng cho thấy sự cương quyết của Mátxcơva nhằm phá vỡ thế cấm vận mà Mỹ và EU áp đặt chống Nga kể từ khi khủng hoảng Ukraine bùng phát.
Ông Putin theo đuổi mục tiêu một cách có phương pháp, thông qua các động thái khác nhau nhằm phá vỡ sự thống nhất mong manh của phương Tây về cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngày 8/4, Thủ tướng cánh tả Hy Lạp Alexis Tsipras cũng đã tới Mátxcơva. Trước chuyến công du, ông Tsipras đã tuyên bố phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga, xem chúng như một “chính sách bế tắc”.
Hôm 5/4, nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm thu hút những người ủng hộ từ EU, đã gây ra một mối rạn nứt mới cho phía "đối phương". Đại sứ Mỹ tại Prague đã chỉ trích Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman về việc nhận lời tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít tại Mátxcơva 9/5 tới. Trước đó vào tháng 2/2015, ông Putin đã sang thăm Hungary bàn chuyện làm ăn kinh tế.
Tổng thống Anastasiades tuyên bố Cyprus rất nghi ngờ chính sách của châu Âu đối với Nga và thuộc “nhóm các quốc gia đều có chung những nghi ngại đó”. Ông Anastasiades còn nói chờ đợi một sự bỏ phiếu thống nhất để dỡ bỏ lệnh trừng phạt vào mùa hè này.
Chủ tịch EU Donald Tusk thừa nhận việc giữ châu Âu thống nhất hiện nay là thách thức lớn nhất. Nga đang khéo léo khơi lên những rạn nứt trong lòng EU như tại Cyprus, đảo quốc nhỏ vốn có quan hệ lịch sử, tôn giáo và kinh tế chặt chẽ với Mátxcơva. Xem đây là một con cờ xoay trục trong trận chiến địa chính trị nảy sinh từ khủng hoảng Ukraine.
Bị lôi kéo về các hướng khác nhau bởi các cường quốc bên ngoài, Cyprus cho Anh đóng căn cứ quân sự và các cơ sở nghe lén lớn, cho phép hải quân Mỹ sử dụng các cảng biển và trở thành thành viên EU từ 2004. Tuy nhiên, khi tới thăm Mátxcơva, ông Anastasiades đã ký một thỏa thuận cho phép các chiến hạm Nga ghé vào trung tâm thương mại Limassol của Cyprus.
Ông Anastasiades nhấn mạnh thỏa ước quân sự với Nga chỉ là sự gia hạn một thỏa thuận năm 1996 và “chẳng có gì mới”. Song mọi điều khoản của hiệp ước này đều được giữ kín, do đó không thể biết Nga giành được quyền lợi gì. Tổng thống Cyprus còn cho biết Nga cũng có thể đóng vai trò thăm dò và phát triển các mỏ khí đốt ngoài khơi đảo quốc này, một đặc quyền trước đó chỉ dành cho các công ty phương Tây.
Bên cạnh đó, Mátxcơva cũng tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Cộng hòa Czech và Slovakia. Theo Defense News, Nga cố gắng sử dụng khu vực Trung Âu vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga như cách thức để giành ảnh hưởng chính trị. Kinh tế Slovakia đặc biệt lệ thuộc vào dầu lửa, khí đốt của Nga.
Trong hai tuần lễ tháng 1/2009, nguồn cung khí đốt cho Slovakia bị cắt hoàn toàn khiến nhiều ngành sản xuất công nghiệp của nước này phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Năm 2014, Nga lại giới hạn cung cấp khí đốt sang Trung Âu, làm gia tăng lo ngại đây là động thái cảnh cáo việc các nước cung cấp khí đốt Nga trở lại cho Ukraine. Khu vực này đã phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung từ các nước khác nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga.
Defense News cho rằng, hai nước Cộng hòa Czech và Slovakia đã biểu thị một cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Nga trong vấn đề khủng hoảng Ukraine so với các nước vùng Baltics hay Ba Lan. Slovakia thể hiện thái độ miễn cưỡng ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga của EU, còn Tổng thống Czech Zeman đã thẳng thừng bác bỏ chỉ trích của đại sứ Mỹ và vẫn quyết tâm tham dự lễ kỷ niệm 9/5 tại Mátxcơva.
Nguồn Tiền Phong