Nhà máy xử lý dầu và khí đốt trung tâm ở Salym, Nga. Ảnh: Bloomberg.

 
Bảo Hân Thứ Năm | 24/03/2022 17:29

Tổng thống Putin muốn các nước "không thân thiện" với Nga phải trả tiền mua nhiên liệu bằng đồng Rúp

Đồng Rúp của Nga đã nhanh chóng vọt lên mức cao nhất trong ba tuần, hơn 95 rúp đổi lấy 1 USD, sau thông báo gây sốc của Tổng thống Putin.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm 23/03, Nga sẽ tìm cách thanh toán cho việc buôn bán nhiên liệu từ các quốc gia “không thân thiện” bằng đồng Rúp, khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt do lo ngại động thái này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực.

Sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào khí đốt của Nga và các mặt hàng xuất khẩu khác đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/02 và các nước phương Tây liên tục ban hành các lệnh trừng phạt nhằm cô lập Nga về mặt kinh tế.

"Tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả đã được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó", ông Putin nói tại cuộc họp trên truyền hình với các bộ trưởng hàng đầu của chính phủ. Ông nói: “Những thay đổi sẽ chỉ áp dụng lên đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán, cụ thể ở đây là dùng đồng Rúp.”

Khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu và nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga trong năm nay đã dao động trong khoảng 200 triệu đến 800 triệu euro (880 triệu USD) mỗi ngày. Việc thay đổi đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán có khả năng khiến hoạt động mua bán trở nên xáo trộn, dẫn đến giá khí đốt bán buôn của một số nước châu Âu và Anh tăng khoảng 15-20% vào ngày 23/03.

Đồng Rúp của Nga đã nhanh chóng vọt lên mức cao nhất trong ba tuần, hơn 95 rúp đổi lấy 1 USD, sau thông báo gây sốc của Tổng thống Putin.

Ông Putin cho biết chính phủ và Ngân hàng Trung ương có một tuần để đưa ra giải pháp về cách dùng đồng Rúp để thanh toán cho các giao dịch khí đốt của Nga và tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom sẽ được lệnh thực hiện các thay đổi tương ứng đối với các hợp đồng khí đốt hiện có.

Với việc các ngân hàng lớn không muốn giao dịch tài sản của Nga, một số khách hàng mua khí đốt lớn của Nga ở Liên minh châu Âu đã không thể ngay lập tức nắm bắt cách thanh toán cho khí đốt trong tương lai.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin chủ trì cuộc họp chính phủ vào ngày 23/03/2022. Ảnh: AFP.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin chủ trì cuộc họp chính phủ vào ngày 23/03/2022. Ảnh: AFP.

Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm giảm quân bị và "phi hạt nhân hóa" nước láng giềng. Ukraine và các đồng minh phương Tây cho rằng điều này là vô căn cứ và cho rằng cuộc chiến đã làm dấy lên lo ngại về xung đột rộng lớn hơn ở châu Âu.

Vi phạm các quy tắc

Theo Gazprom, 58% doanh thu bán khí đốt tự nhiên của họ cho châu Âu và các nước khác tính đến ngày 27/01 được thanh toán bằng đồng euro. Dollar Mỹ chiếm khoảng 39% tổng doanh thu và đồng bảng Anh khoảng 3%.

Ủy ban châu Âu cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga trước năm 2030.

Nhưng không giống như Mỹ và Anh, các quốc gia EU đã không đồng ý trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga, do sự phụ thuộc quá lớn của họ.

Có những câu hỏi về việc liệu quyết định của Nga có vi phạm các quy tắc hợp đồng hay không.

“Điều này sẽ vi phạm các quy tắc thanh toán có trong các hợp đồng hiện tại”, một nguồn tin cấp cao của chính phủ Ba Lan cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng Ba Lan không có ý định ký hợp đồng mới với Gazprom sau khi thỏa thuận dài hạn hiện tại của họ hết hạn vào cuối năm nay.

Nga đã đưa ra một danh sách các quốc gia "không thân thiện", tương ứng với những quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt. Các giao dịch với các công ty và cá nhân từ các quốc gia đó phải được ủy ban chính phủ phê duyệt.

Danh sách các quốc gia bao gồm Mỹ, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Có thể bạn quan tâm: 

Mạng 5G có ảnh hưởng đến sự an toàn của ngành Hàng không?

Nguồn CNBC