"Tổng thống Obama tái cử sẽ giúp ổn định châu Âu"
Ông Folli cho rằng xét những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt như tình trạng thâm hụt và nợ công, nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Obama dự kiến sẽ không hề dễ dàng. Các thị trường đã nhanh chóng tỏ dấu hiệu cho thấy rõ điều này. Song đây lại là một lý do để Italia cảm thấy “gần gũi” với ông Obama, do cả Mỹ và châu Âu biết rõ “hoặc họ sẽ trụ vững cùng nhau, hoặc sẽ cùng nhau sụp đổ".
Ông Folli đánh giá đây không phải là một mối quan hệ đối tác, giống như mối quan hệ trước đây giữa Mỹ và một châu Âu đang hồi phục sau các thảm họa gây ra bởi chiến tranh, mà chính là một sự đặt cược vào sự ổn định của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương cũng như sự vững chắc của đồng tiền chung. Vì vậy, ông Obama sẽ tiếp tục là một đồng minh quý giá của châu Âu, đặc biệt đối với những quốc gia như Italia, vốn đang cần thời gian để giải quyết các vấn đề cơ cấu và giảm bớt tình trạng thâm hụt ngân sách của mình.
Theo quan điểm của ông Folli, Italia phải đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược châu Âu của Nhà Trắng, xét “những nhân vật diều hâu mà Rome phải đối phó đang ở Berlin”. Hiện không hề có lý do để cho rằng tình hình sẽ thay đổi trong tương lai gần.
“Cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9/2013 sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn đối với mối quan hệ mà tổng thống Italia Giorgio Napolitano cũng như thủ tướng nước này Mario Monti đã có thể gây dựng với ông Obama”, ông Folli nói.
Cùng chung quan điểm trên, chủ tịch cơ quan nghiên cứu Osservatorio Asia, ông Alberto Forchielli nhận định cuộc đối thoại giữa Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ được tiếp tục trên cơ sở vững chắc.
"Phe Cộng hòa ở Mỹ đã rất cực đoan trong quan điểm của họ, và chính nó đã dẫn đến một thực tế rằng việc tái cử của tổng thống Obama là kết quả tốt nhất có thể, không chỉ cho châu Âu mà còn cho toàn thế giới".
Nhưng điều quan trọng hiện nay là châu Âu cần phải nỗ lực hơn nhằm đạt được sự hội nhập chính trị vốn cần thiết cho sự ổn định của châu lục này ở cấp độ toàn cầu. Giờ đây chứ không phải lúc nào khác, sự đoàn kết giữa các nước thành viên thuộc khu vực đồng tiền chung phải trở thành một mục tiêu cơ bản, đặc biệt khi “tất cả các lợi ích chiến lược quốc tế đã di chuyển về phía Thái Bình Dương".
Mặc dù hoan nghênh việc ông Obama tái cử và coi đây là kết quả tốt nhất có thể, ông Alessandro Politi, nhà phân tích chính trị và chiến lược tại Viện nghiên cứu Nomisma ở Bologna, đã nhất trí với ý kiến của ông Forchielli khi cho rằng tương lai của châu Âu đặc biệt sẽ phụ thuộc vào việc liệu khu vực này có thể điều khiển cuộc đối thoại với Mỹ một cách hệ thống hay không, thay vì thông qua những chính sách khác nhau của các quốc gia thành viên.
Ông Politi nói: "Chúng ta cần phải chấm dứt tình trạng lãng phí thời gian vì những lợi ích cá nhân. Việc ông Obama tái cử đang tạo thêm cho châu Âu một cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng và khu vực đồng tiền chung phải nắm bắt lấy cơ hội này với niềm tin vững chắc hơn".
Nguồn Vietnam+