Tổng thống Obama có nhiều thuận lợi hơn trong nhiệm kỳ 2
Số người thất nghiệp giảm. Thị trường nhà cửa có dấu hiệu phục hồi. Người tiêu dùng đang trả bớt nợ. Quan trọng hơn là hệ thống ngân hàng lành mạnh.
Điểm sáng đầu tiên là thị trường việc làm tốt lên. Ngay trước cuộc bầu cử, số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 9/2012 chỉ còn 7,8%. Con số mới này có lẽ cũng là một phần thúc đẩy nhiều cử tri bầu cho ông Obama hơn.
Tiếp theo là việc các hộ gia đình sử dụng ít tiền hơn để trả nợ. Quý II/2012, nợ của mỗi hộ gia đình giảm xuống hơn 110% so với thu nhập khả dụng, thấp hơn mức đỉnh hơn 130% trong năm 2007. Số tiền dùng để trả nợ cũng giảm 11%, theo dữ liệu của Fed.
Thị trường nhà cửa cũng có dấu hiệu ấm lên khi chỉ số S&P/Case-Shiller 20-city tăng 2% trong tháng 8/2012 so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán nhà cũng tăng cao hơn mức đỉnh 2 năm trước đó.
Quý III/2012, thị trường nhà cửa đóng góp 2,5% vào GDP Mỹ, tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của cục phân tích kinh tế. Đầu tư vào nhà cửa tăng 14,6% lên mức 388 tỷ USD sau khi đã điều chỉnh cho tính mùa vụ và được kỳ vọng sẽ còn tăng thêm.
Bốn năm sau khi thị trường tài chính Mỹ sụp đổ kéo theo cả nền kinh tế thế giới đi xuống, nước Mỹ đã làm nhiều việc để nâng cao sức khỏe hệ thống ngân hàng. 19 ngân hàng lớn nhất đã tăng vốn hỗ trợ lên 760 tỷ USD vào tháng 5/2012 trong bài phát biểu của chủ tịch Fed, Ben Bernanke. Các ngân hàng lớn cũng tăng gấp đôi lượng dự trữ tiền mặt và chứng khoán cũng như giảm dần nợ vay.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tổng thống Obama hết những khó khăn. Nước Mỹ đang phát triển chậm hơn so với xu hướng tính từ tháng 3 tới nay, theo chỉ số hoạt động quốc gia của Cục dự trữ liên bang (Fed) Chicago.
Ngoài ra, thách thức còn tới từ "vách đá tài khóa" - hoạt động cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách và tăng thuế - trị giá 607 tỷ USD đầu năm 2013 rất có thể sẽ cuốn nước Mỹ vào vòng xoáy suy thoái mới. Khủng hoảng nợ công của châu Âu cũng là vấn đề mà nước Mỹ cần quan tâm.
Những chính sách sắp được thi hành của tổng thống Obama sẽ làm người dân và các nhà đầu tư thay đổi hành vi theo hướng cuộc chơi mà ông dẫn dắt.
Tôn chỉ tranh cử của ông Obama là cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và tăng thuế đối với người giàu. Rất ít khả năng ông Obama sẽ kéo dài luật giảm thuế cho người giàu được đưa ra từ thời tổng thống Bush.
Bên cạnh đó, ông Obama cũng sẽ tiến hành giảm thuế cho những người ở tầng lớp trung lưu để kích cầu tiêu dùng. Tiêu dùng là khu vực chiếm tới hơn 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, theo số liệu của Bloomberg. Các công ty cũng có thể trông chờ vào sắc thuế mới khi ông Obama có ý định giảm thuế cho những doanh nghiệp thuê thêm lao động.
Vách đá tài khóa, vấn đề được cả thế giới quan tâm, là yếu tố cần ông Obama xử lý nhanh nhất có thể. Đưa chi tiêu chính phủ đi xuống có thể dẫn tới việc 2 triệu người phải rời đơn vị mình đang công tác để gia nhập đội quân không việc làm.
Tuy nhiên, với chiến lược chỉ gia tăng chứ không giảm việc làm cùng những hệ lụy mà vách đá tài khóa có thể gây ra, ông Obama sẽ cần phải đàm phán với quốc hội để làm chậm hoặc tìm phương cách khác để giảm thâm hụt tài khóa.
Dù số liệu thất nghiệp của tháng 9/2012 chỉ là 7,8%, tốt hơn 1% so với năm trước đó, nhưng thu nhập thực của người lao động lại bị giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, sau khi đã điều chỉnh cho lạm phát. Chính vì thế, bài toán nâng cao đời sống cho người dân hoàn toàn không hề dễ giải.
Nguồn Bloomberg/Khampha