Tổng thống Obama bị xem xét giới hạn quyền lực
Trong nhiều thập kỷ qua, các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa thường sử dụng cách bổ nhiệm trong thời gian quốc hội tạm nghỉ, và không cần thượng viện thông qua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cách làm này gây khá nhiều tranh cãi. Mới đây nhất chính là những tranh cãi giữa tổng thống Barack Obama và thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát - những người luôn tìm cách ngăn cản hoạt động bổ nhiệm của ông Obama.
Vấn đề bổ nhiệm của tổng thống được đưa lên tòa án tối cao sau khi một tòa án phúc thẩm liên bang bác bỏ quyết định bổ nhiệm 3 trong số 5 thành viên trong Hội đồng quốc gia về quan hệ lao động (NLRB) của ông Obama hồi năm ngoái. Phán quyết trên của tòa án phúc thẩm cũng đe dọa tới tính hợp pháp của hàng trăm hoạt động mà NLRB thực hiện sau quyết định bổ nhiệm trên của ông Obama.
Tòa án phúc thẩm cũng bác bỏ quyết định bổ nhiệm giám đốc Cục bảo vệ tài chính tiêu dùng Richard Cordray hồi năm ngoái của ông Obama.
Lãnh đạo phe thiểu số trong thượng viện Mitch McConnell đã lên tiếng hoan nghênh động này của tòa án tối cao và cho biết: "Năm ngoái, tổng thống Obama đã thực hiện một quyền lực chưa từng có bằng cách bổ nhiệm các đồng minh chính trị của mình tại một loạt ban bộ, mà không cần lời khuyên hay sự đồng ý của thượng viện".
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney thì kiên quyết bảo vệ quyền này của tổng thống và cho rằng tòa án tối cao sẽ không bác bỏ. Dự kiến, phán quyết cuối cùng sẽ được tòa án công bố vào tháng 7/2014.
Trong lịch sử, có rất nhiều tổng thống Mỹ sử dụng quyền hạn của mình để bổ nhiệm nhân sự mà không thông qua các nhà lập pháp thượng viện. Thống kê cho thấy tổng thống đương nhiệm Obama thực hiện rất ít quyết định bổ nhiệm theo cách này, 32 lần so với 171 lần của tổng thống tiền nhiệm George Bush và 139 lần của Bill Clinton.
Nguồn WSJ/Dân Việt