Tổng thống Nga Putin bắt đầu chiến lược giải vây kinh tế
Nga đang thực sự trải qua những ngày khó khăn nhất xét trên phương diện kinh tế trong hàng thập kỷ trở lại đây. Những lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đang cô lập nền kinh tế Nga trong bối cảnh giá dầu giảm khiến ngân sách Nga giảm đáng kể. Điều đó buộc chính quyền Tổng thống Vladimir Putin phải có chiến lược phá vây kinh tế.
Đồng Rup mất giá, kho dự trữ ngoại hối của Nga đang suy giảm với tốc độ chóng mặt, nước Nga đang đứng trên bờ vực của một sự sụp đổ về kinh tế. Tình hình khó khăn buộc Nga ngả về phía Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế, cả thế giới đã chứng kiến sự nồng thắm trong hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc ở hội nghị APEC được tổ chức ở Bắc Kinh, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược phá vây kinh tế của Tổng thống Putin.
Những nhà phân tích và bình luận chuyên nghiệp đã bắt đầu nói về một trục Moscow – Bắc Kinh trên chính trường thế giới khi chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, nhất là những hợp tác về kinh tế như một biện pháp đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Nhưng khi mà tất cả đều tưởng rằng, những hợp đồng khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc sẽ giúp Nga đủ khả năng xoa dịu những tổn thất kinh tế từ sự bao vây của phương Tây, thì Tổng thống Putin lại đang chỉ ra rằng, tăng cường hợp tác với Trung Quốc chỉ là bước khởi đầu và nước Nga sẽ không dại gì dính líu quá sâu với người láng giềng Trung Quốc.
Bằng chứng là, chỉ ít ngày sau những hợp đồng đình đám với Trung Quốc, Nga đã liên tiếp có những động thái đẩy mạnh quan hệ với những đối tác truyền thống. Mục tiêu được nhắm đến là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây như Abkhazia, những đối tác tiềm năng truyền thống như Việt Nam, hay Iran.
Các lĩnh vực thế mạnh của Nga như năng lượng và nhất là khí tài quân sự vẫn rất được các đối tác truyền thống này quan tâm. Ưu tiên hàng đầu của Nga ở thời điểm hiện tại là ký kết các hợp đồng thương mại có thể đem lại cho Nga một nguồn thu không nhỏ từ các đối tác truyền thống này. Nguồn thu quan trọng này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn mà kinh tế Nga đang gặp phải mà không phải dựa dẫm quá nhiều vào các quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác với các đối tác thương mại truyền thống, Nga cũng đang dần tìm cách tháo gỡ tình trạng bao vây về kinh tế do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây tạo ra. Những khó khăn mà kinh tế Nga đang gặp phải nói lên rằng mối quan hệ kinh tế với phương Tây đang là trọng tâm của kinh tế Nga, và sớm muộn cũng phải khôi phục trở lại. Trong vấn đề này Nga cũng đang có lợi thế khi là người chủ động hàn gắn lại những rạn vỡ giữa các bên.
Thông điệp mà ông Alexey Ulyukayev – Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga, tuyên bố ngày 25.11 đã đề cập đến trọng tâm của vấn đề. Đó là các lệnh trừng phạt kinh tế hiện nay đang ảnh hưởng xấu không chỉ cho Nga mà còn cho cả phương Tây nữa. Nga là một thị trường lớn của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước phương Tây như nông sản, thực phẩm và đồ điện tử. Kinh tế của các nước phương Tây như Pháp hay Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi các lệnh trừng phạt được ban bố. Trong bối cảnh đó, việc nối lại các quan hệ thương mại giữa Nga và phương Tây là giải pháp có lợi cho cả hai phía.
Thời điểm mà Nga đưa ra thông điệp hàn gắn các mối quan hệ thương mại với phương Tây cũng được giới chuyên gia đánh giá cao. EU đang bắt đầu đưa ra các chính sách kích thích kinh tế lớn đầu tiên sau quãng thời gian dài kiên nhẫn thắt lưng buộc bụng, kinh tế Mỹ cũng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Việc các nền kinh tế lớn phương Tây thúc đẩy hồi phục kinh tế sẽ khiến cho vai trò những mối quan hệ hợp tác thương mại với Nga thêm quan trọng. EU sẽ khó có thể đẩy nhanh tốc độ hồi phục kinh tế nếu như chưa nối lại các mối quan hệ thương mại với Nga. Trong tình thế đó, việc là người chủ động trong việc hàn gắn sẽ đem lại lợi thế đáng kể cho Nga.
Những giải pháp mang tính toàn diện mà Tổng thống Putin đưa ra đang tạo ra một bộ mặt khác hẳn cho nước Nga và nền kinh tế Nga. Trước APEC, Nga có lẽ là quốc gia có nền kinh tế ảm đạm nhất khi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, nhưng giờ đây tình hình đã đảo ngược hoàn toàn.
Lợi ích từ những hợp đồng thương mại với Trung Quốc và các đối tác truyền thống sẽ giúp Nga giải quyết tình hình khó khăn về tài chính trước mắt, trong khi việc chủ động nối lại quan hệ kinh tế với phương Tây nếu thành công sẽ mang lại một giải pháp ổn thỏa cho nền kinh tế Nga về lâu về dài.
Nguồn Một Thế Giới