Thứ Sáu | 19/12/2014 07:42

Tổng thống Mỹ Obama chính thức ký luật trừng phạt Nga

Đạo luật trừng phạt mới cho phép ông Obama có thêm lựa chọn trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng và ngân hàng Nga.

Đạo luật trừng phạt mới cho phép ông Obama có thêm lựa chọn trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng và ngân hàng Nga.

Bloomberg đưa tin, ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức ký thông qua đạo luật cho phép trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.

Đạo luật trừng phạt mới cho phép ông Obama có thêm lựa chọn trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng và ngân hàng Nga. Đạo luật có thể bao gồm lệnh trừng phạt đối với các cá nhân đầu từ vào các dự án nước sâu, khai thác dầu của Nga và ngừng hoạt động hỗ trợ của Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ.

“Việc ký thông qua đạo luật không phản ánh sự thay đổi chính sách trừng phạt của Mỹ, chúng tôi đã xem xét rất kỹ lưỡng dựa trên những diễn biến thực tế và phối hợp với các đồng minh, đối tác”, tuyên bố của ông Obama được Nhà Trắng phát đi cho biết.

Tổng thống Obama cũng cho biết thêm, bất cứ lệnh trừng phạt bổ sung nào với Nga cũng sẽ trên cơ sở phối hợp với các đồng minh châu Âu. Chúng tôi sẵn sàng dỡ lệnh trừng phạt nếu Nga có những bước đi cần thiết”.

Lệnh trừng phạt của phương Tây cùng với giá dầu giảm đến nay khiến ruble mất giá hơn 40% và đẩy Nga vào nguy cơ suy thoái.

Trong một diễn biến liên quan khác, cùng ngày, EU đã thông qua các biện pháp hạn chế bổ sung đối với Crimea.

Cụ thể, EU cấm doanh nghiệp của mình đầu tư vào kinh tế Crimea, mua bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ du lịch tại Crimea. Ngoài ra, còn có hạn chế về xuất khẩu hàng hóa và công nghệ cho giao thông vận tải, viễn thông và ngành năng lượng, bao gồm thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Crimea.

"Kể từ ngày 20/12, đầu tư vào Crimea và Sevastopol là phạm pháp. Các công ty có trụ sở châu Âu không được mua bất động sản ở Crimea, đầu tư tài chính vào Crimea", tuyên bố của Hội đồng EU cho biết.

Các công ty châu Âu "cũng không còn được phép cung cấp dịch vụ du lịch ở Crimea, tàu du lịch châu Âu không còn có quyền nhập cảng Crimea, ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp, áp dụng cho tất cả các tàu thuộc sở hữu của các công ty EU, hay hoạt động dưới cờ của EU".

Nguồn DVO/Bloomberg