Tổng thống Donald Trump dự APEC: Hiện tại và quá khứ về Việt Nam
Tổng thống Donald Trump sẽ thăm song phương Việt Nam vào tháng 11
Donald Trump và Barack Obama: Ai giỏi tạo ra việc làm hơn?
Đánh giá lại chiến lược châu Á
Chuyến công du đầu tiên tới châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11 được coi là cơ hội để đánh giá lại chiến lược đối ngoại của Washington tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đồng minh cũng như dư luận quốc tế rất quan tâm tới chuyến đi này của Donald Trump khi ông dường như muốn thay đổi cam kết của Mỹ ở châu Á với việc rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khác với người tiền nhiệm Obama với chính sách "xoay trục châu Á", chính quyền Donald Trump vẫn chưa đề ra một chính sách lớn về kinh tế, chính trị và quân sự tại khu vực đang nổi lên này.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy Donald Trump cũng như chính sách đối ngoại của nước Mỹ chuyển biến khi Tổng thống nước này lên đường thực hiện chuyến công du qua một loạt nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Khi Mỹ rút khỏi TPP khiến thỏa thuận đầy tham vọng này có nguy cơ sụp đổ. Đặc biệt, nó trở thành ám ảnh của nước Mỹ cũng như đồng minh khi Trung Quốc lại thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thu hút một loạt quốc gia Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông và châu Phi.
Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tuyên bố Tokyo muốn thiết lập khuôn khổ đối thoại cấp cao giữa Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia để 4 cường quốc này cùng thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên Biển Đông, Ấn Độ Dương và các tuyến đường tới châu Phi.
Garren Mulloy, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Daito Bunka Nhật Bản, cho rằng chuyến công du châu Á của ông Trump là cơ hội rất lớn để thúc đẩy đề xuất này, khẳng định Australia và Ấn Độ sẽ rất hào hứng tham gia sáng kiến.
"Australia và Nhật từng rất thất vọng về Trump khi ông rút Mỹ khỏi TPP và họ đang tìm kiếm một ‘diễn đàn thứ ba’ để có thể hợp tác cùng nhau làm sống lại sáng kiến này", ông nói.
Abraham Denmark, chuyên gia tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, cho rằng Đông Nam Á sẽ không phải là một ưu tiên của chính quyền Trump. "Khu vực này sẽ nhận ra rằng Trung Quốc đang ở đó, còn Mỹ thì không. Điều đó sẽ phát đi một thông điệp rất mạnh", ông nhận định. "Vắng mặt tại một hội nghị không đồng nghĩa với việc Mỹ rời bỏ châu Á – Thái Bình Dương hay Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ. Nhưng đó là một sự kiện rất lớn và không dễ bị lãng quên", Kazianis nói.
Việt Nam - Đối tác quan trọng của Mỹ
Về chuyến thăm chính thức Việt Nam, The Diplomat đặc biệt chú ý đến cuộc họp thượng đỉnh song phương giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Trần Đại Quang tại Hà Nội. Dù chương trình nghị sự cụ thể chưa rõ, nhưng The Diplomat nhận định rằng rất có thể Tổng thống Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington, từng được người tiền nhiệm Obama đẩy mạnh vào năm cuối nhiệm kỳ.
Chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) đã nhắc lại vị trí đặc biệt của Việt Nam hiện nay trong chính sách châu Á của Mỹ, với việc chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump, trong tư cách Tổng thống Mỹ, đón tiếp tại Nhà Trắng.
Giáo sư Thayer đánh giá, quyết định công du Việt Nam sau Thượng đỉnh APEC là tín hiệu mạnh của ông Trump, cho thấy rằng ông vẫn duy trì các cam kết của Mỹ với Việt Nam là củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời công nhận Việt Nam là một tác nhân quan trọng trong các vấn đề khu vực, và là một đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm.
Theo ông Thayer, nhân chuyến công du Việt Nam, Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh đến những vấn đề mà cả hai bên đều có cùng một quan điểm chiến lược từ không phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cho đến tự do hóa kinh tế dựa trên các chuẩn mực cao của quốc tế và bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông, trong đó có việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không…
Tờ The Washington Post bài viết "Việt Nam ám ảnh Trump trong chuyến công du châu Á” đề cập một vấn đề khác mà ông Donald Trump phải đối diện khi nhắc tới Việt Nam, cũng như nhiều đời Tổng thống Mỹ trước đó.
Trong hơn 50 năm qua, các đời tổng thống Mỹ đều luôn phải vật lộn, theo cách này hay cách khác, với vũng lầy của chiến tranh Việt Nam. Bây giờ tới phiên ông Donald Trump.
Quá khứ về chiến tranh Việt Nam lại đang hiển hiện trong lòng nước Mỹ, khi ông Trump chuẩn bị chuyến thăm Việt Nam vào tháng tới. Thượng nghị sĩ John McCain, người đã bị bắt làm tù binh trong 5 năm sau khi máy bay của ông bị bắn hạ, tuần này đã khơi gợi một sự việc rằng ông Trump đã được hoãn nghĩa vụ quân sự 5 lần.
Vấn đề của ông Trump đã làm trầm trọng thêm những tranh cãi chính trị về cách thích hợp để các vị tổng thống tôn vinh và chia sẽ đau buồn với các gia đình của những người lính đã thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam. Ông Trump thực tế đã chưa từng phục vụ quân ngũ.
Trump đã cố gắng đưa vấn đề trên vào quên lãng khi mà vào ngày 23.10 ông đã trao Huân chương Danh dự cho Đại tá Gary Rose, một bác sĩ từng tham gia chiến tranh Việt Nam, người được cho là đã chạy qua những làn đạn, bất chấp việc mình đang bị thương để cứu chữa cho các đồng đội trong một trận đánh khốc liệt tại vùng đất mà quân đội Việt Nam kiểm soát vào tháng 9.1970.
Nhưng việc ông Trump chưa từng tham gia nghĩa vụ quân sự thì không vì thế mà chìm vào quên lãng.
McCain, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arizona, người đã thường xuyên mâu thuẫn với Tổng thống, rõ ràng cho thấy ông nhớ rất kỹ việc này. Vào ngày 23.10, ông McCain đã chỉ trích hệ thống phục vụ quân ngũ của Mỹ thời Việt Nam, bắt buộc người Mỹ có thu nhập thấp tới Việt Nam trong khi người giàu có có thể né tránh việc này với giấy báo bệnh của bác sĩ. Trump, con trai của một nhà phát triển bất động sản triệu phú, nhận giấy hoãn nghĩa vụ nhiều lần, một trong số đó đến từ việc ông có giấy bác sĩ ghi rằng ông bị gai xương ở chân.
Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã trở thành một ví dụ cho việc sa lầy trong các cuộc chiến mà nước Mỹ phát động, như trong các cuộc chiến tranh gần đây ở Afghanistan và Iraq. Những hồi ức không hay ở chiến tranh Việt Nam luôn là lời cảnh tỉnh với những vị tổng thống muốn kéo dài các hành động quân sự ở nước ngoài.
Tổng thống Lyndon Johnson đã từ bỏ ý định tái tranh cử sau khi sự leo thang trong chiến tranh Việt Nam khiến nhiều người Mỹ chết. Tổng thống Richard Nixon đã phải nhận những sự chỉ trích gay gắt khi mở rộng cuộc xung đột. Việc hoãn quân dịch cũng đã tạo ra những áp lực đáng kể cho ông Bill Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992.
Gần đây hơn, các câu hỏi liên quan đến của George W. Bush và John Kerry nổi bật trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2000 và 2004. Ông Bush từng tham gia Không lực Texas nhưng ông phải đối mặt với những dấu hỏi về quá trình phục vụ của mình và tại sao ông không bao giờ phải nhận nhiệm vụ ở nước ngoài. Kerry là một cựu quân nhân có quá khứ hào hùng, đã vứt bỏ huy chương của mình và có những cuộc điều trần chống chiến tranh trước Quốc hội. Người ta cũng đặt ra nhiều nghi vấn về quá khứ hào hùng đó của ông Kerry khi ông tham gia tranh cử.
Obama, người chưa đến tuổi phục vụ quân ngũ khi chiến tranh Việt Nam diễn ra, tự cho mình là người có thể hàn gắn vết nứt giữa những người đã phải tham gia nghĩa vụ quân sự và những ai được miễn. Dù vậy, ông cũng bị ám ảnh bởi những bài học của chiến tranh.
Tổng thống Donald Trump dự kiến thăm Việt Nam vào tháng 11 trong chuyến công du châu Á dài 12 ngày, và tới 5 quốc gia. Ông sẽ tham dự APEC tại Đà Nẵng trước khi thăm chính thức Việt Nam. Nhà Trắng cho biết, vẫn chưa có quyết định liệu Tổng thống có ghé thăm các địa điểm chiến tranh nào hay không, như nhà tù nơi ông McCain bị giam giữ.
Trump đã thổi bùng lên cuộc tranh cãi với McCain vào tháng 7.2015 khi ông coi thường thời gian vị Thượng nghị sĩ này bị bắt làm tù binh. Ngoài ra, tranh cãi về việc Trump không phục vụ quân đội trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đã được hâm nóng trở lại khi ông phải đối mặt với sự giám sát về cách ông đối xử với các gia đình Mỹ có người chết trong các cuộc chiến tranh.