Ảnh: Reuters.

 
Hân Nguyễn Thứ Tư | 09/03/2022 18:08

Tổng thống Biden tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, Mỹ cũng nhận hậu quả

Châu Âu nhập khẩu nguồn cung từ Nga nhiều hơn so với Mỹ, nhưng thị trường năng lượng mang tính toàn cầu, Mỹ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga do Tổng thống Biden công bố ngày 08/03 có thể gây ra những hậu quả sâu sắc đối với nền kinh tế Mỹ, đẩy giá xăng lên cao hơn khi lạm phát đã tăng nhanh, mặc dù tác động đó có thể kéo dài bao lâu vẫn chưa rõ.

“Chúng tôi đang cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng của Nga,” ông Biden nói, phát biểu tại một cuộc họp tại Nhà Trắng. Ông cho biết kế hoạch này sẽ nhắm vào “huyết mạch chính” của nền kinh tế Nga. Mặc dù thừa nhận rằng động thái này có thể sẽ đẩy giá nhiên liệu lên cao, nhưng ông vẫn đổ lỗi cho sự hung hăng của Nga là nguyên nhân dẫn đến thực tế đó.

Lệnh cấm áp dụng đối với nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá của Nga. Nó cũng cấm các khoản đầu tư mới của Mỹ vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Đồng thời ngăn người Mỹ tài trợ hoặc tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất năng lượng tại Nga.

Châu Âu nhập khẩu nguồn cung từ Nga nhiều hơn so với Mỹ, nhưng thị trường năng lượng mang tính toàn cầu, và mối đe dọa đơn thuần từ lệnh cấm đã đẩy giá hàng hóa lên cao hơn trong những ngày gần đây.

Ông Omair Sharif, người sáng lập của Inflation Insights, cho biết rằng rất khó để đoán mức độ tăng của giá dầu trong những ngày tới, sau khi lệnh cấm trên được ban hành. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine rõ ràng đang đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn - đến mức giá nhiên liệu trung bình trên toàn quốc có thể tăng lên gần 4,50 USD trong tháng này.

Trong khi lạm phát chắc chắn sẽ tiếp tục cao hơn ở Mỹ, các nhà kinh tế cho rằng quy mô của hậu quả kinh tế còn phụ thuộc phần lớn vào cách lệnh cấm được thiết lập. Ví dụ, nó có thể sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trên toàn cầu và trên thị trường nếu châu Âu cũng cấm nhập khẩu dầu và nhiên liệu của Nga (vẫn chưa rõ liệu điều đó có xảy ra hay không).

Bà Caroline Bain, một nhà kinh tế tại Capital Economics, ước tính rằng giá hàng hóa, vốn đã cao, sẽ tăng với quy mô toàn cầu. Dầu thô Brent, tiêu chuẩn dầu quốc tế, sẽ đạt khoảng 160 USD/thùng trong trường hợp nhiều quốc gia cùng thực hiện lệnh cấm.

Hiện giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 6% lên khoảng 130 USD/thùng vào giữa ngày 08/03. Vào cuối năm 2021, giá của loại dầu này là 78 USD/thùng.

10 nước sản suất dầu nhiều nhất trong năm 2020 (tính theo thùng/ngày)
10 nước sản suất dầu nhiều nhất trong năm 2020 (tính theo triệu thùng/ngày)

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu quốc gia sẽ áp dụng lệnh cấm tương tự. Theo ông Biden, Mỹ có thể sẽ hành động riêng trong việc cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Ông nói: “Nhiều đồng minh và đối tác châu Âu của chúng tôi có thể không tham gia cùng, nhưng các đồng minh vẫn đoàn kết với mục đích chung, để Nga phải “nếm mùi" vì đã khai mào chiến tranh. Điều đó bao gồm những nỗ lực của Liên minh châu Âu trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.”

Hôm 08/03, Anh cho biết nước này sẽ thực hiện các bước riêng để dần cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga vào cuối năm 2022.

Áp lực “noi theo" Mỹ đang đè nặng lên các quốc gia Châu Âu khác.

Ông Franck Riester, Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, nói rằng Pháp phải xem xét các lệnh cấm nhập khẩu dầu và nhiên liệu từ Nga vì lo ngại hệ quả kinh tế kéo theo.

Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp cho biết nước này phải phối hợp với Liên minh Châu Âu trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nào tiếp theo, đồng thời thừa nhận châu Âu cần giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Trong khi Ý phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu của Nga, chính phủ của quốc gia này đã nói rằng nếu Liên minh Châu Âu quyết định cắt giảm tiêu thụ khí đốt và dầu của Nga, Ý sẽ không phản đối nỗ lực này.

Tác động kinh tế trực tiếp lên Mỹ do cắt nguồn cung dầu từ Nga tuy không nghiêm trọng như ở Châu Âu nhưng cũng sẽ đáng kể.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Mỹ nhập khẩu ít hơn 700.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga vào năm 2021. Con số này chiếm chưa đến 10% lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ trên toàn cầu.

Giá dầu và khí đốt toàn cầu cao hơn sẽ làm tăng thêm nỗi đau lạm phát vốn đang đeo bám người tiêu dùng. Giá đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm và dữ liệu trong tuần này dự kiến mức tăng hàng năm cao hơn vào tháng Hai.

Theo AAA (Hiệp hội Ô tô Mỹ), mức giá xăng trung bình trên toàn quốc đạt 4,17 USD vào ngày 08/03, mức cao mới so với khí đốt không chì thông thường.

Tổng thống Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga tại Nhà Trắng hôm 08/03. Ảnh: Tom Brenner.
Tổng thống Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga tại Nhà Trắng hôm 08/03. Ảnh: Tom Brenner.

Ông Sharif cho biết lạm phát của Mỹ có thể đạt đỉnh 8,3% vào tháng 3, do giá xăng tăng vọt. Trước khi xung đột xảy ra, ông đã kỳ vọng nó sẽ giảm xuống 2,7% vào cuối năm nay, nhưng bây giờ ông đang kỳ vọng tỷ lệ này gần 4,5%.

Giá khí đốt cao hơn cũng ăn vào ngân sách của người tiêu dùng, khiến họ không thể chi tiêu cho những thứ khác - vì vậy lệnh cấm cũng có thể gây ra hậu quả cho tăng trưởng kinh tế nói chung.

Nhưng người tiêu dùng Mỹ hiện vẫn “ngồi trên đống tiền" được tích lũy trong quá trình diễn ra đại dịch, và bởi vì Mỹ có sản xuất khí đốt trong nước, giá cao hơn cũng có thể khuyến khích các công ty đầu tư và cung cấp nhiều hơn vào Mỹ.

Có thể bạn quan tâm: 

Trung Quốc sẽ tăng chi phí quốc phòng lên 7,1% vào năm 2022

Nguồn The New York Times