Kể từ cuối năm 2018, tổng nợ hộ gia đình của Mỹ đã tăng hơn 2,9 nghìn tỉ USD. Ảnh: CNN.

 
Lam Ngọc Thứ Sáu | 18/08/2023 15:20

Tổng dư nợ thẻ tín dụng của người tiêu dùng Mỹ đạt 1.000 tỉ USD

Đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ hiện tại.

Theo Cục Dự trữ liên bang (FED), nợ thẻ tín dụng của người tiêu dùng Mỹ đã tăng thêm 45 tỉ USD lên 1,03 nghìn tỉ USD trong quý II/2023, phản ánh xu hướng chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ cũng như giá cả tăng cao hơn do lạm phát. Được biết, mức tăng nợ này là mức cao nhất trong dữ liệu của FED kể từ năm 2003.

Sự gia tăng nợ thẻ tín dụng diễn ra với tốc độ quá nhanh. Đồng thời dữ liệu của FED cũng cho thấy các khoản nợ quá hạn của thẻ tín dụng cũng đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm. Ngân hàng Trung ương cho biết thước đo nợ thẻ tín dụng trễ từ 30 ngày đã tăng lên 7,2% trong quý II, từ mức 6,5% trong quý I. 

 

Hiện tại, nước Mỹ có hơn 578 triệu tài khoản thẻ tín dụng, tăng 5,48 triệu so với thời điểm cuối quý I/2023. Trong khi đó, hạn mức thẻ tín dụng đã tăng tổng cộng 9 tỉ USD lên 4,6 nghìn tỉ USD trong quý II. Lãi suất trung bình trên các loại thẻ tín dụng ghi nhận gần mức cao kỷ lục với 20,53%.

Đây là quý thứ 5 liên tiếp tổng dư nợ thẻ tín dụng ở Mỹ tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến điều này đến từ lạm phát dai dẳng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2023 là một năm “đắt đỏ” đối với người tiêu dùng có nhu cầu chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày.

Dù thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ, sức trụ của nền kinh tế cũng vượt ngoài dự đoán và người tiêu dùng chi tiêu trở lại, nhưng lạm phát dai dẳng kết hợp với lãi suất cao đã khiến nhiều người, đặc biệt là những lao động có thu nhập thấp gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, các khoản thế chấp mới phát sinh đã tăng lên 393 tỉ USD mặc dù tổng nợ thế chấp đã giảm xuống còn hơn 12.000 tỉ USD. Các khoản vay mua ô tô tăng 20 tỉ USD lên 1.580 tỉ USD, đẩy mức nợ chung của các hộ gia đình nhích nhẹ 1%, lên 17,06 nghìn tỉ USD trong quý III. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2018, tổng nợ hộ gia đình của Mỹ đã tăng hơn 2,9 nghìn tỉ USD.

“Lãi suất tăng cao, đồng tiền đắt đỏ hơn đã khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn. Người tiêu dùng thì tiếp tục vay nợ nhiều hơn để chi trả cho các chi tiêu hằng ngày. Những điều này đã đẩy các hộ gia đình có mức thu nhập thấp đến trung bình rơi vào hoàn cảnh bấp bênh và vòng lặp lẩn quẩn”, bà Sofia Baig, Chuyên gia kinh tế tại Morning Consult, cho biết.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của FED, số dư khoản vay của sinh viên đã giảm 35 tỉ USD, xuống còn 1,57 nghìn tỉ USD trong quý II/2023. Theo nhận định của FED, sự suy giảm này diễn ra trong bối cảnh một số chương trình xóa nợ cho sinh viên trong thời gian học tập được triển khai.

Mặc dù có nhiều trở ngại mà người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt trong năm qua, lãi suất cao hơn, áp lực lạm phát dai dẳng hậu đại dịch cùng với sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, nhưng không có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng khó khăn tài chính sẽ tiếp tục tăng cao và lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Người tiêu dùng toàn cầu vẫn sẵn sàng chi tiêu cho sở thích cá nhân, như du lịch, mua sắm,...

Có thể bạn quan tâm:

Nhật là nơi đắt đỏ nhất châu Á với lao động nước ngoài

Nguồn CNN