"Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc bị buộc đưa giàn khoan vào Biển Đông"
Trả lời phỏng vấn của BBC, Giáo sư Carl Thayer cho biết, “Khi có mặt ở Hà Nội vào thời điểm căng thẳng xung quanh giàn khoan mới bắt đầu, tôi đã nói chuyện với một số nhà ngoại giao nước ngoài. Họ nói rằng các đồng nghiệp của họ ở Bắc Kinh cho biết khi được yêu cầu tiến vào khu vực lô 142 - 143, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ban đầu đã từ chối với lý do quá tốn kém”.
Theo ông Carl Thayer, cuối cùng CNOOC vẫn được lệnh phải tiến vào khu vực này và được thông báo hoạt động thăm dò dầu khí chỉ là phụ.
Trung Quốc rõ ràng đang phải chi rất nhiều, không chỉ cho giàn khoan đắt tiền, mà còn cho cả hơn một trăm tàu đang hoạt động quanh đó. Điều này một lần nữa cho thấy đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thăm dò dầu khí.
Để làm rõ luận điểm cho rằng Trung Quốc còn mục đích khác ngoài dầu mỏ, ông Thayer chia sẻ quan điểm của một nhà phân tích cho biết dầu khí tập trung chủ yếu ở phía nam của Biển Đông. Tuy nhiên với nhu cầu hiện nay của Trung Quốc, những mỏ này không đủ để đáp ứng nhu cầu của họ về lâu dài. Trung Quốc đã phải trải qua bao nhiêu phiền phức như hiện nay, chỉ để khai thác những nguồn nhiên liệu rất có hạn như thế, rõ ràng không phải là một cách huy động vốn hiệu quả. Từ đó có thể thấy điều này là nhằm một mục đích khác.
Giáo sư Thayer cho rằng Trung Quốc đã dự phòng phương án tháo gỡ căng thẳng bằng cách tuyên bố sẽ chỉ đặt giàn khoan ở vị trí này từ ngày 2/5 đến ngày 15/8. Bên cạnh đó, thời điểm tháng 8/2014 Trung Quốc tuyên bố sẽ rút giàn khoan có thể đơn thuần là do để tránh mùa bão thường xảy ra từ tháng 9 - 10 trên biển.
Nguồn Báo Giao thông Vận tải