Tồn kho hàng hóa của Trung Quốc lên đỉnh điểm
Nếu như trong quá khứ, khi Li Ning một mình dẫn đầu trong thị trường nội địa Trung Quốc thì chiến lược này có thể sẽ phát huy tác dụng bởi trong giai đoạn đầu năm 2009 đến cuối năm 2010, giá cổ phiếu của Li Ning tăng gấp 3 lần.
Tuy nhiên, hiện tại, công ty chuyên sản xuất đồ thể thao Li Ning đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng khác như Peak, Anta và Xtep, cộng thêm chiến lược kinh doanh sai lầm đã dẫn đến tình trạng dư cung lớn và cổ phiếu của Li Ning đã giảm 85% từ đỉnh.
Vấn đề mà Li Ning và ngành công nghiệp thể thao Trung Quốc đang phải đối mặt mới chỉ là một phần của thực trạng, bởi trên thực tế hầu hết tất cả các ngành của Trung Quốc đều đang phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho vượt quá mức.
Tồn dư nhà đất là đáng lo ngại nhất, bởi bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. China Vanke, công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc ước tính sẽ mất khoảng 10 tháng để tiêu thụ hết số bất động sản tồn.
Doanh số bán xe hơi của Trung Quốc mặc dù đã phục hồi đáng kể từ suy thoái kinh tế nhưng chỉ số hàng tồn kho (hàng tồn kho/doanh số bán hàng) vào cuối tháng 6 vẫn ở mức cao là 1,98, vượt quá mức trung bình là 1,5.
Trong khi hàng điện tử tồn kho còn rất nhiều thì các nhà bán lẻ của Trung Quốc lại bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh về giá cả khi nhà bán lẻ trực tuyến 360buy.com cam kết bán các thiết bị gia dụng của mình mà không thu bất kỳ lợi nhuận nào.
Ở hầu hết các lĩnh vực, có dấu hiệu cho thấy hàng tồn kho đã đạt đến đỉnh điểm khiến các doanh nghiệp phải tập trung giải quyết hàng tồn kho của mình. Đây là một trong những lý do tại sao doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn mạnh trong khi ngành công nghiệp sản xuất lại phát triển chậm lại trong những tháng gần đây.
Vấn đề mà tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang phải đối mặt là họ sẽ mất khoảng thời gian bao lâu và phải hạ giá xuống mức nào để giải quyết được tất cả hàng tồn kho của mình.
Nguồn FT/Khampha