“Tôi không muốn kết hôn”
Ho Yi Jian ngồi trong một quán cà phê phong cách ở Kuala Lumpur, lướt qua hình ảnh của những phụ nữ độc thân trên Tinder, một ứng dụng hẹn hò. Ở ngoài ban công, các người mẫu trong những chiếc khăn trùm đầu Hồi giáo đang tạo dáng chụp ảnh.
Malaysia, giống như hầu hết các nước trên thế giới, một mặt là sự pha trộn giữa sự sùng đạo và truyền thống, mặt khác là chủ nghĩa cá nhân. Ở vùng nông thôn, các tòa án hồi giáo sharia phạt đòn đối với những người ngoại tình. Còn người sống ở thành phố thì tự do hơn. Ho Yi Jian, một nhà nghiên cứu tự do làm việc tại nhà, sử dụng điện thoại thông minh để tìm những phụ nữ độc thân sống gần đó.
Trải nghiệm của những người trẻ tuổi về tình dục, tình yêu và hôn nhân đang trải qua những thay đổi rất lớn. Thay đổi dễ thấy nhất là các ứng dụng hẹn hò cho phép họ có nhiều lựa chọn về bạn tình hơn so với cha mẹ của họ. 3 xu hướng khác thì ít rõ ràng hơn, nhưng lại quan trọng hơn. Đầu tiên, thái độ khắt khe đối với tình dục đã giảm đi rất nhiều. Thứ hai, hôn nhân sắp đặt giữa hai gia đình giờ đang trở thành hôn nhân sắp đặt giữa các cá nhân. Thứ ba là các cặp đôi có ít con cái hơn và có con muộn hơn.
Một thay đổi đáng khích lệ là phụ nữ ngày càng được giáo dục tốt hơn. Vì thế họ càng ít có khả năng trải qua các cuộc hôn nhân ép buộc hoặc kết hôn sớm. Tỉ lệ phụ nữ trẻ kết hôn trước 15 tuổi đã giảm từ 12% trên toàn thế giới vào năm 1985 xuống còn 8% vào năm 2010, theo UNICEF. Tỉ lệ kết hôn trước sinh nhật thứ 18 cũng đã giảm từ mức 33% xuống còn 26%.
Người phụ nữ châu Á ngày nay có xu hướng không muốn kết hôn khi họ đi làm. Ảnh: bloomberg.com |
Các cuộc hôn nhân sắp đặt cũng đang suy giảm. Vào đầu thế kỷ XX, ít nhất 72% hôn nhân ở châu Á và châu Phi được sắp đặt giữa hai gia đình. Con số này đã giảm 40% hoặc hơn, theo ước tính của Gabriela Rubio, Giáo sư thuộc Đại học California, Los Angeles. Tại một số nước như Trung Quốc, Nhật và Indonesia, hôn nhân sắp đặt vẫn còn tồn tại.
Ở những nơi khác như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, hôn nhân sắp đặt vẫn chiếm ít nhất 95%. Nhưng đã có sự thay đổi. Tại Ấn Độ, cha mẹ sắp xếp hôn nhân cho con trẻ nhưng con cái có thể từ chối. Ít nhất trong giới trẻ trí thức ở đô thị, họ có xu hướng tự lựa chọn bạn đời của mình dù cha mẹ có thể không đồng ý. Đây chưa phải là chủ nghĩa cá nhân theo kiểu phương Tây, nhưng là một bước tiến rất lớn theo xu hướng này.
Tư tưởng tự do đối với tình yêu và hôn nhân càng trao thêm “quyền lực” cho các cá nhân, đặc biệt là những phụ nữ trẻ ở châu Á. Nhiều người không màng đến kết hôn. Gần 1/3 phụ nữ Nhật không kết hôn. Hơn 1/5 phụ nữ Đài Loan trong độ tuổi xấp xỉ 40 sống độc thân, hầu hết trong số này sẽ chẳng bao giờ kết hôn.
Phụ nữ châu Á không muốn kết hôn là kết quả của chủ nghĩa tự do ngày nay. Đây là điều đáng mừng, nhưng cũng đang gây ra những vấn đề xã hội. Hôn nhân khiến đàn ông “dễ tính” hơn, vì nó liên quan đến mức testosterone thấp và ít hành vi côn đồ hơn. Vì thế, tỉ lệ kết hôn giảm có nghĩa là nhiều tội phạm hơn.
Mặt khác, so với phương Tây, các nước châu Á ít đầu tư vào lương hưu và các hình thức phúc lợi xã hội khác vì mặc nhiên cho rằng gia đình sẽ chăm sóc cho người già hoặc người thân bị bệnh. Nhưng điều này không còn giống như trước nữa. Việc tỉ lệ kết hôn giảm cũng dẫn đến tỉ lệ sinh con giảm. Tỉ lệ sinh đẻ của thế giới đã giảm phân nửa kể từ năm 1960, từ 5 đứa trẻ/phụ nữ còn chỉ 2,5. Riêng tại Đông Á, tỉ lệ sinh đã giảm từ 5,3 trẻ/phụ nữ vào cuối thập niên 1960 còn chỉ 1,6.
Áp lực phải giáo dục con cái đàng hoàng khi công nghệ phát triển là một lý do khác khiến các gia đình sẽ càng muốn ít con hơn. “Tôi muốn có 2 đứa con thôi. Tôi không chắc mình có thể nuôi đứa thứ ba mà vẫn cho chúng một chế độ giáo dục tốt”, Hiqmar Danial, một sinh viên ở Malaysia, nhận xét. Tại Malaysia, tỉ lệ sinh đã giảm từ 6 đứa trẻ/phụ nữ xuống còn 2 kể từ năm 1960.
Người phụ nữ châu Á ngày nay có xu hướng không muốn kết hôn khi họ đi làm. Một phần là vì vừa đi làm vừa có gia đình là chuyện rất khó khăn ở châu Á. Phụ nữ là người chăm sóc chính cho gia đình, chồng, con cái và thường là chăm sóc cha mẹ già. Thậm chí khi đi làm toàn thời gian, họ cũng được xã hội kỳ vọng phải tiếp tục vai trò này. Điều này là đúng ở những nơi khác trên thế giới, nhưng trách nhiệm của người phụ nữ châu Á lại đặc biệt nặng nề.
Lấy ví dụ ở Nhật. Phụ nữ nước này thường làm 40 giờ/tuần ở công sở. Họ lại phải làm thêm 30 giờ công việc nhà, tính trung bình, trong khi chồng chỉ làm 3 giờ. Những phụ nữ châu Á nghỉ việc để chăm sóc con cái càng khó mà quay lại đi làm khi con cái lớn khôn. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ châu Á có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân. Theo một khảo sát thực hiện năm 2011, ngày càng ít người phụ nữ Nhật cảm nhận tích cực về hôn nhân của mình hơn là đàn ông Nhật, hoặc phụ nữ, đàn ông Mỹ.
Liệu tỉ lệ kết hôn có gia tăng trở lại? Điều này là có thể nếu những định kiến về vai trò giữa nam nữ thay đổi, đặc biệt ở các xã hội phương Đông. Nhưng định kiến thì rất khó thay đổi. Chính phủ không thể đưa ra luật để cấm những định kiến đã bám rễ quá sâu. Tuy nhiên, Chính phủ có thể khuyến khích sự thay đổi. Luật ly dị thoải mái hơn có thể làm gia tăng tỉ lệ kết hôn. Phụ nữ sẽ sẵn lòng kết hôn hơn nếu biết rằng họ có thể dễ dàng ly hôn, không chỉ bởi vì họ tự do nói lời chia tay nếu hôn nhân không hạnh phúc, mà còn bởi vì việc phụ nữ có thể dễ dàng ly hôn sẽ khiến cho chồng họ không dám “ngọ nguậy”.
Ngoài ra, luật hôn nhân gia đình nên cho phép người phụ nữ ly hôn được phần chia tài sản chung hào phóng hơn. Chính phủ các nước cũng nên ban hành luật để những người sử dụng lao động cho cả vợ lẫn chồng được nghỉ thai sản hoặc trợ cấp chi phí chăm sóc con nhỏ. Nếu những việc này giúp cải thiện cuộc sống gia đình thì cũng sẽ giúp giảm gánh nặng chăm sóc người già.
Các chính phủ châu Á từ lâu xem rằng sự ưu việt trong đời sống gia đình là một trong những lợi thế đối với phương tây, nhưng niềm tin ấy giờ không có gì lấy làm đảm bảo. Họ cần phải gióng hồi chuông báo động trước những thay đổi lớn đang diễn ra trong xã hội và nghĩ cách đối phó với hậu quả.
Khánh Đoan
Nguồn The Economist