Thứ Hai | 07/01/2013 15:47

Toàn cầu hoá thất bại trong trung hạn

Khoảng trống Mỹ để lại và hệ luỵ khi Mỹ phải trả nợ có thể là sự cám dỗ cho chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Thế giới đã trải qua một chu kỳ đầy biến động, trong đó có hai năm tổng suy trầm (2008 – 2009) và ba năm bị đình trệ (2010 – 2012). Biến cố này kéo dài đã chi phối tính toán chính sách của mọi quốc gia. Đây cũng là nguồn gốc bao khó khăn dồn dập của cả “ba anh nhà giàu” mắc nợ nhiều nhất là Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu. Khi các nước giàu có lo thu vén chi tiêu để trả nợ nần thì kinh tế toàn cầu bị suy trầm và phục hồi rất chậm.

Sức bật 2013 đến từ đâu?

Tuy vậy, các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs đã liên tiếp đưa ra các báo cáo đánh giá sáng sủa về kinh tế thế giới năm 2013, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khó khăn sẽ sớm qua đi. Chuyên gia Jan Hatzius cho rằng, năm nay sẽ là năm cuối cùng nền kinh tế Mỹ ở trong tình trạng èo uột như vừa qua. Báo cáo mang tên “Kinh tế Mỹ giai đoạn 2013 – 2016: vượt qua cam go” đã đưa ra bức tranh lạc quan về nền kinh tế đầu tàu. Tuy nhìn vào chính trường thì vẫn là hình ảnh của một siêu cường mắc nợ và công khai cãi cọ về việc chi thu trong nhiều năm liền. Nhưng nhìn vào thị trường Mỹ, vào khuôn khổ sinh hoạt thu chi của các gia đình, có thể thấy ra một nền móng tài chính lành mạnh và quân bình hơn. Chính nền móng ấy tạo ra sức bật trong năm 2013.

Về lâu dài, hình thái vận động kinh tế thế giới đang chuyển dịch, khu vực chế biến của các nước công nghiệp hoá ngày càng thu hẹp và nhường chỗ cho khu vực dịch vụ. Các nước giàu có đã đẩy đầu tư về chế biến sang các nước đang phát triển làm gia công để tìm lợi thế nhân công rẻ mạt, điều này có góp một phần cho hiện tượng toàn cầu hoá và tự do chuyển dịch tư bản. Ngoài ra cần để ý đến sự thay đổi về công nghệ (technology), tức là cách tổ chức khoa học kỹ thuật, một yếu tố đang gây đảo lộn nhiều lĩnh vực.

Tiến bộ công nghệ đã đảo lộn luôn cả cơ cấu phí tổn. Ví dụ, sự cải tiến về công nghệ máy điện toán và công nghệ tin học đã làm thay đổi quy trình sản xuất và nâng cao năng suất kinh tế, nhưng mặt khác cũng dẫn đến các bài toán xã hội khó giải là thất nghiệp, thay đổi cung cách giáo dục và đào tạo đối với hết thảy các quốc gia.

Một nhân tố khác là dân số địa cầu đã tăng vọt từ sau thế chiến hai thì nay đã đi hết chu kỳ và giảm dần. Càng tiến hoá thì càng giảm mạnh và nhiều nước gặp nguy cơ “lão hoá dân số”. Sự thay đổi này cũng chi phối tính toán lời lãi của doanh nghiệp hay chiến lược kinh tế của các quốc gia. Một cách cụ thể, lương bổng cho nhân công các nước đang phát triển không còn rẻ như trước khi các nước này trở thành “tân hưng”, nghĩa là bắt đầu phát triển. Trung Quốc là nước có dân số cao nhất địa cầu nhưng do “chính sách một con” nên dân số cũng bắt đầu bị lão hoá nặng, người dân chưa giàu đã già và lợi thế về nhân công rẻ đang mất dần.

Giã từ toàn cầu hoá?

Khoảng trống do nước Mỹ để lại trên toàn cầu và các bài toán dồn dập khi phải trả nợ lại là sự cám dỗ cho chính sách bành trướng của Trung Quốc và gây phản ứng phòng thủ từ các quốc gia khác. Tinh thần chung: bảo thủ và co cụm của nhiều nước trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi riêng. Chuyển động này gây ra một hậu quả bất ngờ, đó là sự thoái lui của trào lưu toàn cầu hoá (TCH). Vòng đàm phán Doha trên thực tế bị khai tử và cơ chế WTO chỉ còn là nơi giải quyết quá nhiều vụ tranh tụng về mậu dịch giữa các hội viên.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị trở ngại do phản ứng bảo hộ mậu dịch với nhiều đòn trả đũa về ngoại thương. Giữa các nước đã phát triển với nhau, khó khăn chồng chất bên trong khiến xứ nào cũng tìm cách in tiền, hạ lãi suất và tìm lợi thế của đồng bạc rẻ để xuất khẩu và thoát hiểm. Hiện tượng ấy gây thêm vấn đề ngoại thương và trước hết thu hẹp nguồn tư bản có thể đầu tư vào các nước đang phát triển.

Đầu tư trực tiếp giảm sút càng làm các nước nghèo gặp trở ngại khi thị trường xuất khẩu vào các nước giàu cũng co cụm dần. Nếu xứ nào cũng muốn bán hàng ra ngoài thì ai mua bây giờ? Tranh chấp mậu dịch vì vậy chỉ tăng chứ không giảm và toàn cầu hoá bị đẩy lui... Xu hướng thoái lui ấy thấy ra rõ ràng nhất là tại Hoa Kỳ, sau đó mới tới Âu châu, Nhật Bản hay Trung Quốc, là những khối kinh tế dẫn đầu thế giới. Trên chính trường Mỹ, tự do mậu dịch hay toàn cầu hoá hết được coi là lý tưởng mà còn bị kết án là nguyên nhân gây ra thất nghiệp hay thiệt hại cho kinh tế và nhân công Mỹ.

Sự chững lại của toàn cầu hoá chỉ là trung hạn, vì lợi thế của toàn cầu hoá là điều có thật và khó phủ nhận. Ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, với thị trường gần 90 triệu dân, Việt Nam nên sớm nghĩ đến nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa thay vì chỉ trông chờ vào xuất khẩu và đầu tư công. Đây là cơ hội nhìn lại lợi thế tương đối của Việt Nam trong dài hạn, không thể chỉ dựa vào nhân công rẻ mà chủ yếu phải giải bài toán năng suất lao động, tức là giải quyết khâu giáo dục và đào tạo.

(Theo SGTT)