Thái Lan là quốc gia thịnh vượng với các ngân hàng khỏe mạnh, nhà máy hiện đại, ngành du lịch phát triển, một tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh cùng với nhiều nhân tố khác của một nền dân chủ thành công.
Tuy nhiên, đất nước này lại thường xuyên rơi vào trạng thái bất ổn. Thái Lan có quá nhiều cuộc đảo chính, đến nỗi các học giả đôi lúc gọi quãng thời gian 82 năm gần đây của Thái Lan là “mùa đảo chính”. Trong thời gian này, những xung đột chính trị thường xuyên lặp lại. Cuộc khủng hoảng lần này diễn ra với các cuộc đụng độ trên đường phố, các cuộc điều tra tham nhũng và cả cuộc bầu cử không thể hoàn thành hôm 2/2. Đối lập với ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, các nhà hoạt động chính trị ở Thái Lan lại đòi hỏi giảm bớt tính dân chủ.
Bối cảnh
Hơn 100.000 người biểu tình chống chính phủ (phe áo vàng) với sự lãnh đạo của Suthep Thaugsuban đã xuống đường biểu tình trên các con phố của Bangkok với nỗ lực ngăn chặn cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2. Tuy nhiên, phe áo vàng cũng phải đối mặt với phe áo đỏ gồm những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 nhưng được cho là vẫn ảnh hưởng lớn đến nền chính trị Thái Lan thông qua người em gái hiện đang làm Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Các cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 31/10, phản đối lại dự luật ân xá – dự luật sẽ cho phép ông Thaksin trở về nước. Sâu xa hơn, người biểu tình muốn chấm dứt chế độ bầu cử đang bị lấn át bởi nhà Thaksin. Họ cho rằng hệ thống bầu cử hiện nay dựa trên việc mua phiếu bầu và những ưu ái dành cho người nghèo. Chương trình trợ giá gạo trong đó chính phủ mua lúa gạo từ người nông dân với mức giá cao hơn 50% so với giá thị trường đã giúp ông Thaksin và các đồng minh nhận được sự ủng hộ của vùng Đông Bắc Thái Lan và dành chiến thắng trong 5 lần bầu cử gần đây.
Phe đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2 và kết quả bầu cử vẫn chưa được công bố cho đến khi bầu cử lại được tổ chức ở hơn chục địa phương không thể thực hiện bỏ phiếu. Đồng nghĩa với điều này là không thể thành lập chính phủ mới.
Tuy nhiên, kể cả khi kết quả bầu cử được công bố, vẫn có khả năng Thái Lan không thể giải quyết được bế tắc chính trị hiện nay. Tình hình đang trở nên bất lợi cho bà Yingluck bởi trong khi cảnh sát cố gắng dẹp khu biểu tình, bạo lực đã xảy ra và một số người đã thiệt mạng. Bà Yingluck cũng đứng trước cáo buộc vi hiến với vai trò trong chương trình trợ giá gạo.
Nhìn lại lịch sử Thái Lan
Cuộc đảo chính đẫm máu năm 1932 đã biến Vương quốc Siam (Xiêm La) thành nước quân chủ lập hiến. Nền kinh tế Thái Lan khởi sắc nhờ viện trợ kinh tế từ Mỹ. Sau đó, các nhà sản xuất từ Nhật Bản và châu Âu đổ xô vào Thái Lan để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ để sản xuất các mặt hàng công nghiệp phục vụ các thị trường trên toàn thế giới.
Kể từ năm 1946 – khi nhà vua Bhumibol Adulyadej lên trị vì, Thái Lan đã trải qua tổng cộng 9 cuộc đảo chính và có hơn 20 vị Thủ tướng. Nhà vua Thái Lan cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất còn sống trên thế giới.
Mặc dù liên tiếp ở trong tình trạng bất ổn chính trị, nền kinh tế Thái Lan vẫn luôn tỏ ra kiên cường, hồi phục từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, thảm họa sóng thần năm 2004 và trận lụt tồi tệ năm 2011.
Khoảng 2/3 trong số 67 triệu người dân Thái Lan sống ở vùng nông thôn và hơn 90% theo đạo Phật. Cựu Thủ tướng và cũng là tỷ phú Thaksin đã gây nên phản ứng mạnh mẽ khi giúp các công ty mà ông sở hữu và bổ nhiệm bạn bè của ông vào các vị trí chủ chốt trong nhiều cơ quan chính phủ.
Lý lẽ của hai bên
Tầng lớp trung lưu thành thị ở Bangkok cùng nhóm thân hoàng gia đã lên tiếng phản đối sau khi ông Thaksin chiến thắng nhờ thu hút các cử tri ở vùng nông thôn. Phe biểu tình chống chính phủ bác bỏ ý tưởng cho rằng họ đang cản trở dân chủ. Họ lập luận hệ thống chính trị hiện nay chỉ có thể tạo nên một chính phủ đáng tin cậy sau khi đã loại bỏ tầm ảnh hưởng của ông Thaksin.
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Thaksin – nổi giận vì chiến thắng của họ bị lật ngược – lâm vào vòng xoáy bế tắc và bạo lực.
Quá trình điều chỉnh dần dần của nền chính trị Thái Lan có thể dẫn đến việc chia sẻ quyền lực nhiều hơn cho chính quyền địa phương, mặc dù quá trình này phải mất một thế hệ hoặc nhiều hơn nữa.
Kịch bản xấu nhất sẽ là đất nước bị chia cắt hoặc thậm chí là một cuộc nội chiến. Trong quá khứ, nhà vua Thái Lan (giờ đây đã bước sang tuổi 86) đã từng can thiệp vào nền chính trị Thái Lan để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, giờ đây ông được cho là quá già yếu để có thể làm như vậy.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg