Bá Ước Thứ Năm | 05/12/2019 17:00

Tổ chức Thương mại Thế giới đã đến hồi cáo chung?

“Mùa đông đang đến”, một đại diện Na Uy đã cảnh báo như thế tại một cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 22/11.

Hệ thống giao dịch đa phương mà WTO đã giám sát từ năm 1995 sắp đóng băng. Vào ngày 10/12, hai thẩm phán trong cơ quan phúc thẩm của WTO, người nghe các kháng cáo trong các tranh chấp thương mại và cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại những kẻ phá luật, sẽ nghỉ hưu và việc người Mỹ trì hoãn việc bổ nhiệm mới có nghĩa là họ sẽ không được thay thế. Chỉ còn một thẩm phán, ban phúc thẩm sẽ không thể xét xử các vụ kiện mới.

WTO là nền tảng cho 96% thương mại toàn cầu. Theo một ước tính gần đây, tư cách thành viên của WTO hoặc Thỏa thuận chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) - tiền thân của nó, đã thúc đẩy thương mại giữa các thành viên tăng 171%. Khi iPhone chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ hoặc chai rượu whisky Scotch từ Liên minh châu Âu sang Ấn Độ, chính các quy tắc của WTO đã giữ cho hàng rào thuế quan và phi thuế quan thấp và cung cấp cho các công ty sự chắc chắn mà họ cần để lập kế hoạch và đầu tư.

WTO là một hệ thống tự quản. Hầu hết, các quốc gia tuân theo các quy tắc WTO. Nhưng nếu một người cảm thấy người khác đã vi phạm, thì thay vì bắt đầu một cuộc chiến trực tiếp, họ có thể đưa ra một tranh chấp chính thức. Nếu phán quyết WTO không làm hài lòng một trong hai bên, họ có thể kháng cáo. Phán quyết của cơ quan phúc thẩm sẽ có hiệu lực cao nhất. Nếu người thua cuộc không tuân thủ các quy tắc thương mại của mình, người chiến thắng có thể áp dụng mức thuế lên lượng hàng hóa bằng với mức tiền mà các thẩm phán cho rằng việc phá vỡ quy tắc gây ra. Đó là hình phạt giúp ngăn chặn việc phá vỡ quy tắc.

Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump đã không phê duyệt những trọng tài không phải là người Mỹ, vì ông luôn có suy nghĩ không mấy thiện cảm với các quy tắc đa phương.

Nhưng các vấn đề là sâu xa hơn nhiều so với việc không thích các thể chế đa phương. Nó xuất phát từ sự đổ vỡ niềm tin đối với cách thực thi luật pháp quốc tế và sự thất bại của cơ quan hòa giải WTO. Nếu người Mỹ cảm thấy rằng họ có thể thương lượng để giảm sự bất bình của họ, họ có thể đã không phẫn nộ đối với cơ quan phúc thẩm. Nhưng với rất nhiều thành viên miễn cưỡng thực thi việc tự do hóa, điều đó là không thể.

Nước Mỹ đã từng giành được một số chiến thắng tại WTO: Chống lại Liên minh châu Âu về vấn đề trợ cấp cho Airbus; và chống lại Trung Quốc với các vấn đề như trợ cấp trong nước; trộm cắp tài sản trí tuệ; kiểm soát việc xuất khẩu đất hiếm, được sử dụng để sản xuất điện thoại di động; và thậm chí là áp thuế quan lên chân gà Mỹ.

Nhưng cũng có nhiều vụ kiện của Mỹ đã bị trì hoãn khi đệ trình lên cơ quan phúc thẩm, đặc biệt là bởi các quốc gia phản đối việc sử dụng các biện pháp thương mại nặng tay của Mỹ: áp thuế quan để bảo vệ các nhà sản xuất của khỏi hàng nhập khẩu không công bằng. Hết lần này đến lần khác, Mỹ đã thua.

Mặc dù các chính quyền Mỹ trước đây đã luôn than phiền và thỉnh thoảng can thiệp vào việc bổ nhiệm các thẩm phán, chính quyền Trump thì còn đi xa hơn. Các quan chức Mỹ phàn nàn rằng các tranh chấp thường kéo dài hơn nhiều so với thời gian tối đa là 90 ngày, và nghiêm trọng hơn là cơ quan phúc thẩm đã đưa ra các phán quyết vượt xa thẩm quyền mà các nước thành viên đã đồng thuận. Họ nói rõ rằng trừ khi những lo ngại đó được giải quyết, sẽ không có thẩm phán mới nào được xác nhận.

Việc có nhiều quốc gia tham gia WTO là một thành tích đáng chú ý. Tuy nhiên, điều này cũng là nhờ các nhà đàm phán đã đưa ra các quy tắc mơ hồ, và giải quyết sự khác biệt của họ với ngôn ngữ mơ hồ. Người Mỹ thì nói rằng quy tắc không nói họ không thể làm như thế. Nhưng những người khác phản bác rằng các quy tắc không nói rằng họ có thể. Chính sự khác biệt kéo dài như vậy đã dẫn đến tình cảnh hiện tại.

Các luật sư thương mại Mỹ, vốn góp phần dừng cơ quan phúc thẩm, cảm thấy một sự khác biệt cơ bản giữa thái độ của họ đối với luật pháp quốc tế và của người châu Âu. Quan điểm của họ là chỉ có các quy định rõ ràng mới có thể được thi hành và họ cảm thấy rằng người châu Âu thoải mái hơn với sự mơ hồ.

Cơ quan đàm phán WTO đã bất lực trong nhiều năm. Với số lượng thành viên hiện tại là 164, cơ quan này khó đạt được sự đồng thuận. Mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết, sự phẫn nộ đối với cơ quan phúc thẩm đã ngày một tăng.

Bây giờ chính quyền Trump đã bỏ qua WTO và tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Và vì vậy, cơ hội mà nước này sẽ đồng ý và phê chuẩn các đề cử cho cơ quan phúc thẩm vào ngày 10/12 dường như là rất thấp. Vào ngày 26/11, chính quyền Trump đề nghị cắt giảm lương của các thành viên của cơ quan phúc thẩm.

117/163 thành viên còn lại đã ký một bức thư chung kêu gọi nước Mỹ chấm dứt tình trạng bế tắc. Mặc dù Mỹ là bên sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp nhiều nhất, những người khác cũng sẽ cảm nhận sự trống vắng. Các nước EU, Canada và Na Uy đã thống nhất một cơ chế trọng tài tạm thời sẽ sử dụng các thành viên đã nghỉ hưu của cơ quan phúc thẩm làm thẩm phán.

Tất cả điều này có nghĩa là thương mại toàn cầu sắp trở nên khó hơn và nhiều tranh cãi hơn. Nếu không có tòa phúc thẩm, tranh chấp giữa các thành viên lớn nhất có thể leo thang. Khi WTO còn có tên là GATT, Mỹ đóng vai trò là cảnh sát trưởng thương mại toàn cầu, nhưng hiện nước này sẽ không tiếp tục vai trò này. Vào ngày 27 tháng 11, chính quyền Trump tuyên bố rằng họ gần như đã hoàn thành một cuộc điều tra về thuế của Pháp đối với các dịch vụ kỹ thuật số, mà Mỹ cho rằng sự phân biệt đối xử với người khổng lồ công nghệ của họ. Điều đó có thể dẫn đến thuế quan.

Trong những năm 1980, không nước nào thoải mái với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Nhưng ít nhất hồi đó, chú Sam có thể là một trong tài. Bây giờ, khi mà chính nước Mỹ từ chối cơ chế trọng tài. Những chính sách thương mại của ông Trump hiện tại có thể khó đảo ngược nhất và gây ra tác dụng lâu dài nhất.

► Toàn cầu hóa đã "tan rã"

Nguồn The Economist