Đây là lần thứ tám giải Nobel Hòa bình được trao cho những nỗ lực chống vũ khí hạt nhân. Ảnh: TL.
Tổ chức Nhật Bản Nihon Hidankyo giành giải Nobel Hòa bình 2024
Tổ chức Nihon Hidankyo, gồm những người sống sót sau thảm họa bom nguyên tử tại Nhật Bản, được trao giải Nobel Hòa bình 2024, nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh các phát ngôn về vũ khí hạt nhân đang leo thang sau Chiến tranh Lạnh.
Giải thưởng dành cho Nihon Hidankyo vì những lời kể chân thực của các thành viên, cho thấy vũ khí hạt nhân không bao giờ được phép sử dụng trở lại, theo thông báo từ Ủy ban Nobel Na Uy tại Oslo.
Năm 2025 sẽ đánh dấu 80 năm kể từ khi hai quả bom nguyên tử của Mỹ rơi xuống Hiroshima và Nagasaki, giết chết khoảng 120.000 người dân. Những người sống sót, được gọi là Hibakusha, đã thành lập Nihon Hidankyo nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về hậu quả tàn khốc của vũ khí hạt nhân đối với nhân loại.
"Những nỗ lực phi thường của Nihon Hidankyo và Hibakusha đã góp phần quan trọng vào việc thiết lập 'điều cấm kỵ hạt nhân'. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là quy ước này đang bị đe dọa”, Ủy ban Nobel nhận định, đồng thời nhấn mạnh về quy ước ngầm chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Giải thưởng trị giá 11 triệu krona Thụy Điển (1,1 triệu USD).
“Chúng tôi từng nghĩ rằng việc giành được giải Nobel là một giấc mơ xa vời. Giải thưởng này sẽ là động lực để tiếp tục nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân”, ông Toshiyuki Mimaki, đồng Chủ tịch của Nihon Hidankyo, chia sẻ tại Hiroshima.
Đây là lần thứ tám giải Nobel Hòa bình được trao cho những nỗ lực chống vũ khí hạt nhân. Những tổ chức nhận giải trước đó bao gồm Tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) nhận giải năm 2017, và Alva Myrdal cùng Alfonso Garcia Robles, nhận giải năm 1982.
Năm nay, Ủy ban Nobel đã nhận 286 đề cử, trong đó có 197 cá nhân và 89 tổ chức. Danh sách này sẽ được giữ bí mật trong 50 năm.
Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động nhân quyền người Iran Narges Mohammadi, người đã đấu tranh chống lại sự đàn áp phụ nữ tại Iran. Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động nhân quyền khác như Ales Bialiatski từ Belarus, tổ chức Memorial của Nga và Trung tâm Tự do Dân sự Ukraine cũng được vinh danh.
Hội Chữ thập Đỏ đã ba lần nhận giải Nobel Hòa bình. Những người nhận giải trước đó bao gồm Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Cựu mục sư Martin Luther King và Liên minh Châu Âu.
Các giải Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, hòa bình và văn học được lập theo di chúc của Alfred Nobel, nhà phát minh thuốc nổ người Thụy Điển, qua đời năm 1896. Giải Nobel Kinh tế học được bổ sung vào năm 1968 bởi Ngân hàng Trung ương Thụy Điển.
Nguồn Bloomberg