Ảnh: Financial Times
Tình thế ngặt nghèo của nền kinh tế toàn cầu trong thời virus corona
Trong lúc quan sát diễn biến tình hình dịch bệnh, nền kinh tế toàn cầu dường như bị ảnh hưởng rõ ràng bởi 3 rủi ro chính.
Rủi ro thứ nhất rõ ràng xuất hiện ở Trung Quốc. Mặc dù vẫn còn chưa rõ nguồn gây dịch bệnh chính xác, nhưng cũng khó mà xác định được làm thế nào tránh khỏi sự bùng phát dịch kiểu này – chẳng hạn như bằng cách kiểm soát tốt hơn vệ sinh tại thị trường thực phẩm. Nhưng rõ ràng sự thiếu minh bạch ở Trung Quốc đã góp phần tạo ra nỗi lo sợ và thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu hoảng loạn trên cả thế giới.
Trong diễn biến của thị trường tài chính trong năm 2007-2008, khi tỷ lệ xuất hiện rủi ro vẫn chưa ai biết rõ, nhiều người thường chỉ nghĩ đến trường hợp tồi tệ nhất. Do vậy, đà giảm nhanh chóng của giá tài sản cũng không chứa đựng quá nhiều thông tin.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lây nhiễm virus corona là bao nhiêu? Tại sao tỷ lệ tử vong ở mỗi nơi lại quá khác biệt? Điều gì giải thích chuyện virus đôi khi lây lan với khoảng cách quá lớn? Hiệu quả chính xác của việc cách ly người nhiễm bệnh trong một tòa nhà, bệnh viện hoặc thành phố?
Các cơ quan chức trách Trung Quốc chắc chắn không có toàn bộ câu trả lời tại thời điểm này, nhưng việc họ không minh bạch về dữ liệu và cách thức tính toán thực sự chẳng giúp ích gì.
Rủi ro thứ hai là chính quyền Mỹ thiếu chủ trương lãnh đạo đối với dịch bệnh. Mỹ có hệ thống sức khỏe-y tế mạnh nhất trên thế giới, trong đó năng lực nghiên cứu và phát triển chẳng hề thua ai. Tuy vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chủ yếu quan tâm đến việc giảm bớt lo ngại về rủi ro từ virus corona (nói rằng: rủi ro vẫn còn rất thấp), đồng thời tống khứ virus corona ra khỏi Mỹ - một nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Khu vực tư nhân đang nỗ lực hết sức để tạo ra vắc-xin trị virus corona – một nỗ lực đáng được khen ngợi. Không may là, trong một khoảng thời gian dài hơn, việc thiếu vắng một thị trường thực sự dành cho những loại vắc-xin này đã làm giảm đầu tư vào hoạt động nghiên cứu vắc-xin này. Bằng cách tạo ra thị trường lớn nhất thế giới dành cho nhiều loại thuốc, Mỹ hỗ trợ hiệu quả các cuộc nghiên cứu ở phạm vi khá rộng, nhưng chỉ dành cho những loại thuốc đã có nhu cầu lớn và ổn định ở Mỹ.
Thậm chí, những người tin tưởng nhất vào chiến lược “Nước Mỹ Đầu tiên” của ông Trump phải thừa nhận rằng Mỹ cũng bị thiệt hại khi phần còn lại của thế giới bị nhiễm bệnh. Trong số các quốc gia bị nhiễm bệnh có cả đồng minh, bạn và khách hàng của nước Mỹ. Dù có thích hay không, dịch bệnh vẫn sẽ lan sang Mỹ. Thật vậy, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết câu hỏi hiện tại không còn là “nếu” mà là khi nào thị dịch Covid-19 lan rộng trong nước.
Rủi ro thứ ba nằm ở những thị trường mới nổi và đang phát triển. Những quốc gia nghèo hơn thường có ít nguồn lực để đối phó với dịch bệnh lây lan nhanh như thế này – như đã thể hiện qua chuyện các quốc gia châu Phi từ chối vận chuyển công dân của mình từ Trung Quốc về nước qua đường hàng không.
Thông tin virus corona lây lan đến Italy đã làm chao đảo các thị trường tài chính trên thế giới, nhưng Italy là một quốc gia giàu có và được tổ chức tốt.
Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến các quốc gia khác – những nơi điều kiện dinh dưỡng tệ hơn, tiêu chuẩn nhà ở yếu kém và sự lan truyền dịch bệnh có thể diễn ra dễ dàng hơn nhiều. Nếu hệ thống y tế của những quốc gia này chịu nhiều áp lực và căng thẳng, Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác nên hỗ trợ nhanh chóng bằng cách cung ứng hàng thiết yếu và hỗ trợ kỹ thuật. Thế nhưng, hiện giờ dường như chưa có sự chỉ đạo nào cho việc này.
Có vẻ như dịch virus corona không có tỷ lệ tử vong cao như một số dịch bệnh mà tổ tiên chúng ta đã trải qua. Hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng đã được cải thiện rất nhiều. CDC là một tổ chức xuất sắc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nhiều lần ra tay hỗ trợ khi tình hình khó khăn. Khi được trao cơ hội, các nhóm bác sĩ và y tá tận tâm chăm sóc bệnh nhân rất tuyệt vời ngay cả trong những tình huống ngặt nghèo nhất. Chúng ta may mắn được sống trong kỷ nguyên có quá nhiều anh hùng.
Dù vậy, virus corona chủng mới vẫn rất đáng quan ngại. Cách tốt nhất để đối phó là bằng cách nâng cao nghiên cứu khoa học, đào tạo thêm nhà khoa học và xây dựng thêm phòng nghiên cứu. Các quốc gia có khả năng làm vậy – như Mỹ – nên chia sẻ ý tưởng và kiến thức trong phạm vi càng rộng càng tốt.
Đầu tư nhiều hơn vào khoa học là một đề xuất kinh tế hấp dẫn. Nhưng đây không phải là về những yếu tố kinh tế mà là về sức khỏe con người. Nhiều khả năng, trong tương lai, một nhà khoa học sẽ cứu rỗi cuộc sống của bạn hoặc một người bạn yêu thương, vì những nỗ lực nghiên cứu trước đó của một nhà khoa học hay chỉ là một ý tưởng xuất sắc được đưa ra trong lúc khó khăn. Chúng ta nên đầu tư vào các nhà khoa học để cứu lấy chính chúng ta. Và cũng phải nhớ rằng tất cả các quốc gia hiện đang gắn kết rất chặt chẽ với nhau.
*Bài viết thể hiện quan điểm của ông Simon Johnson trên Project-syndicate
* Nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu khoảng thời gian tệ nhất kể từ Đại Suy thoái?
* Dịch virus corona lây lan và tăng nhanh tại châu Âu, Phó Tổng thống Iran nhiễm bệnh
Nguồn Project Syndicate