Thứ Ba | 25/02/2014 08:09

Tình hình Thái Lan: Quân đội cảnh báo, Thủ tướng rời Bangkok

Thủ tướng Yingluck rời Bangkok, đồng thời tuyên bố không bỏ qua cho hành vi của kẻ gây ra cuộc tấn công hôm 23/1.
Tình hình Thái Lan đang nóng lên sau vụ tấn công hôm 23/1. Thủ tướng Yingluck rời Bangkok, đồng thời tuyên bố không bỏ qua cho hành vi của kẻ gây ra cuộc tấn công trên. Còn phe đối lập lại quyết "kết liễu" chế độ Thaksin. Lãnh đạo quân đội Thái Lan cảnh báo nguy cơ sụp đổ đất nước.

Thủ tướng Thái Lan rời Bangkok

Ngày 24/2, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết Thủ tướng Yingluck Shinawatra, mục tiêu lật đổ của những người biểu tình chống chính phủ trong nhiều tuần qua, đã rời Bangkok và đang ở cách thủ đô 150 km, song không cho biết địa điểm cụ thể.

Văn phòng của bà Yingluck nói với báo giới rằng hiện nữ Thủ tướng không ở Bangkok, đồng thời đề nghị truyền thông theo sau một một đoàn hộ tống bên ngoài thủ đô, nơi họ nói rằng bà Yingluck "đang đi công tác" cách Bangkok 150 km.

Tuy nhiên, thông báo không cho biết Thủ tướng Yingluck sẽ đi công tác trong bao lâu.

Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul cho biết bà Yingluck sẽ chủ trì một cuộc họp nội các vào ngày 25/2. “Có khả năng chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp nội các bên ngoài Bangkok nhưng địa điểm cụ thể chưa được thông báo” – ông Surapong nói.

Bà Yingluck có mặt tại tỉnh Saraburi trưa 24/2. Ảnh: Bangkok Post
Bà Yingluck có mặt tại tỉnh Saraburi trưa 24/2. Ảnh: Bangkok Post

Cũng trong ngày 24/2, báo Bangkok Post đưa tin bà Yingluck bị người biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC) quấy rối khi đang thăm khu mua sắm Phu Khae ở tỉnh Saraburi. Bà đến đây vào khoảng 11h ngày 24/2 cùng với Bộ trưởng Giao thông Chadchart Sittipunt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Sermsak Pongpanich...

Thông tin về việc bà Yingluck phải làm việc từ cách xa thủ đô diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở Bangkok tiếp tục leo thang, với các vụ bắn súng, đánh bom.

Ngày 23/2, trong bài báo đăng tải trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra tuyên bố các vụ tấn công xảy ra gần đây tại Bangkok là "những hành vi khủng bố nhằm mục đích chính trị", đồng thời bày tỏ sự đau buồn và phẫn nộ trước việc trẻ em thiệt mạng do bạo lực.

Bà Yingluck khẳng định chính phủ sẽ không bỏ qua cho các hành vi trên và đã ra lệnh điều tra toàn diện nhằm truy bắt thủ phạm. Bên cạnh đó, bà Yingluck kêu gọi các bên tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết cuộc xung đột chính trị thông qua tiến trình dân chủ.

Theo thông tin cập nhật của trung tâm tình trạng khẩn cấp Erawan (Thái Lan), đã có ít nhất hai người thiệt mạng và 22 người bị thương trong vụ đánh bom nhằm vào một trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok ngày 23/2.

Vụ việc xảy ra cùng thời điểm với một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại khu vực Ratchaprasong thuộc trung tâm Bangkok.

Hai người thiệt mạng gồm một phụ nữ 40 tuổi và một bé trai 12 tuổi, ngoài ra trong số người bị thương cũng có trẻ em. Dựa vào các mảnh đạn còn lại trên hiện trường, cảnh sát cho biết vụ nổ được tiến hành bằng lựu đạn.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/2, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố rằng phong trào biểu tình sẽ xem xét chiến dịch chống chính phủ và toàn bộ tập đoàn kinh doanh Shinawatra nhằm sớm chấm dứt "cuộc chơi" lật đổ chế độ Thaksin vào tuần tới.

Ông Suthep đã khẳng định rằng Phong trào biểu tình sẽ tiếp tục "săn đuổi" thủ tướng, nhưng không phải để làm hại bà mà chỉ muốn đòi bà từ chức. Theo ông này, hiện đang ngày càng có nhiều người Thái muốn loại bỏ chế độ Thaksin khỏi đất nước.

Lãnh đạo quân đội Thái Lan cảnh báo đất nước có nguy cơ “sụp đổ”

Trong ngày 24/2, lãnh đạo quân đội Thái Lan cảnh báo đất nước này có nguy cơ “sụp đổ” nếu bạo lực leo thang trong những ngày vừa qua không giảm. Hai mươi mốt người đã thiệt mạng và hơn 700 người bị thương trong các vụ bạo lực liên quan đến biểu tình phản đối chính phủ suốt gần 4 tháng qua.

Đám đông người biểu tình tập trung tại cổng Bộ Khoa học Công nghệ Thái Lan
Đám đông người biểu tình tập trung tại cổng Bộ Khoa học Công nghệ Thái Lan

“Ngày qua ngày, sẽ còn có thêm bạo lực, cho tới khi không thể kiểm soát được”, lãnh đạo quân đội Prayut Chan-O-Cha cảnh báo trong bài phát biểu trực tiếp hiếm có trên truyền hình. “Nếu mất mát vẫn diễn ra, đất nước chắc chắn sẽ sụp đổ và không có ai chiến thắng hay thất bại”, ông cho hay.

Ông Prayut kêu gọi hòa giải và đàm phán. Ông cho hay quân đội “sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình” nhưng “không muốn dùng vũ lực và vũ khí để chiến đấu một cách không cần thiết với người Thái Lan”.

Không những lãnh đạo quân đội, mà người đứng đầu cơ quan phản ứng an ninh của chính phủ cũng dự đoán biểu tình có thể biến thành bạo động.”Từ giờ bạo lực sẽ diễn ra…Tôi thừa nhận là tình hình khó kiểm soát”, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung cho hay.

Mặt khác, trưa 24/2, Đại tướng Prayuth, Tư lệnh Lục quân Thái Lan đã kêu gọi tất cả các phe phái ở Thái Lan chấm dứt các hành động bạo lực, đề nghị Chính phủ tạm quyền và các lực lượng an ninh gấp rút tập trung truy tìm thủ phạm gây ra các vụ bạo lực làm nhiều người thương vong trong thời gian gần đây.

Tư lệnh Lục quân Thái Lan cũng đề nghị các nhóm biểu tình không xâm phạm, chiếm giữ các công sở hoặc sử dụng vũ khí đối với nhà chức trách nhằm tránh bị xử lý theo pháp luật.

Đáng chú ý, Tư lệnh Lục quân Prayuth đã kêu gọi các phe phái coi trọng lợi ích của đất nước, tôn trọng pháp luật và Hiến pháp, khẩn trương cùng nhau thương lượng để giải quyết hòa bình các mâu thuẫn và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, được các bên và nhân dân chấp nhận.

Tư lệnh Lục quân Prayuth cũng nhấn mạnh, quân đội Thái Lan đang cố gắng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho nhân dân; song quân đội sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng chính trị vì điều đó chỉ làm cho tình hình càng thêm nghiêm trọng.

T.M (Tổng hợp)

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện