Tình hình nợ tại eurozone đang diễn biến tích cực
Đây là kết luận của chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính eurozone Jean-Claude Juncker đưa ra ngày 14/9 sau hội nghị không chính thức của nhóm này tại thủ đô Nicosia của Cộng hòa Síp.
Ông Juncker nhấn mạnh rằng mặc dù đang phải đối mặt với thời kỳ hết sức khó khăn, song đang có sự điều chỉnh kinh tế tại Eurozone theo chiều hướng tốt lên và có thể coi đây là tín hiệu tốt để tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Theo ông Juncker, sự tăng trưởng kinh tế yếu kém chỉ là hậu quả nhất thời của tình hình khó khăn trên các thị trường tài chính, đồng thời bày tỏ lạc quan về chính sách kinh tế của khu vực đồng tiền chung này.
Hội nghị trên nhằm thảo luận tình hình tại một số nước thành viên eurozone đang đứng trước nguy bị khủng hoảng nợ công quật ngã và buộc phải cầu viện cứu trợ tài chính quốc tế, gồm Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp.
Đề cập đến tình hình Hy Lạp, ông Juncker kịch liệt bác bỏ mọi kịch bản loại nước này ra khỏi eurozone và bày tỏ tin tưởng rằng Athens sẽ có thể thực hiện được các cam kết về bình ổn tài chính. Trong khi đó, ông Juncker cũng thừa nhận rằng mọi quyết định về những biện pháp thực tế tiếp tục trợ giúp tài chính cho Hy Lạp sẽ được thông qua sớm nhất là vào cuối tháng 10 tới, khi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) chính thức có hiệu lực.
Về phần mình, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề tài chính và tiền tệ Olli Ren nhấn mạnh rằng báo cáo của bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về tình hình kinh tế Hy Lạp - điều kiện để giải ngân khoản vay tiếp theo, được công bố sớm nhất vào tháng 10 tới. Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng Hy Lạp đã nỗ lực rất lớn, song cần phải tiếp tục củng cố hệ thống tài chính.
Về tình hình tại Tây Ban Nha, ông Juncker cho biết chính quyền Madrid cam kết sẽ đạt được những mục tiêu ngân sách đã đề ra cho năm nay và vào cuối tháng này sẽ công bố chương trình quốc gia về cải cách cơ cấu. Hội nghị cũng coi các nước Bồ Đào Nha và Ireland là những "câu chuyện thành công" và cho rằng hai nước này có thể quay lại các thị trường tài chính quốc tế vào năm tới. Ông đồng thời lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Síp sớm giải trình dự định về việc nối lại và hoàn tất các cuộc đàm phán về chương trình cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU).
Trong một động thái liên quan, cùng ngày, ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cho biết khối lượng nợ công của nước này trong quý 2/2012 đã lên tới mức kỷ lục 75,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo nguồn tin trên, nợ công của Tây Ban Nha đã đạt mức 808,3 tỷ euro, cao hơn mức 774,5 tỷ euro, tương đương 72,1% GDP, trong quý trước đó. Trong khi đó, khoản nợ của các ngân hàng Tây Ban Nha trước ECB trong tháng 8 vừa qua tăng 3,5% đạt mức kỷ lục 388,7 tỷ euro, chiếm 43,9% khối lượng tín dụng mà ECB cung cấp cho tất cả các cơ quan tài chính eurozone.
Do lãi suất cao nên các ngân hàng Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn trong việc đi vay trên các thị trường tài chính quốc tế, vì thế nhu cầu vay tiền từ ECB của khu vực ngân hàng nước này tăng năm lần trong một năm qua.
Nguồn Vietnam+