Văn Quốc Thứ Ba | 12/05/2020 14:00

Tín dụng vi mô khốn đốn

Các tổ chức tài chính vi mô, nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho doanh nghiệp nhỏ và người nghèo, đang lao đao trong dịch.

“Lúc bình thường, tỉ lệ vỡ nợ trên các khoản cho vay nhỏ do Dvara Trust thu xếp chỉ khoảng 5%, nhưng trong những ngày dịch bệnh, có hơn 90% người vay không thể trả nợ cho dù họ muốn và có tiền đi chăng nữa”, Samir Shah, Phó Chủ tịch Điều hành Dvara Trust, nhận định. Dvara Trust là một công ty tư nhân có trụ sở tại Chennai, Ấn Độ, giúp mang các dịch vụ tài chính đến người dân ở nông thôn. 

Trong thế giới tín dụng vi mô, việc thanh toán nợ vay trực tiếp bằng tiền mặt cho người đến thu nợ vẫn rất phổ biến. Và giống như hầu hết các nước trong đại dịch COVID-19, Ấn Độ đang áp dụng lệnh phong tỏa nên cũng không hề có ngoại lệ nào cho những người đi thu nợ. Vì thế, những tổ chức tài chính vi mô (MFI) tại Dvara không thể nào trả nợ vay cho các ngân hàng và nhà đầu tư đã cấp vốn cho họ. Hầu hết các MFI này vẫn còn lượng tiền mặt dùng được trong vài tháng. Nhưng khi số tiền này cạn kiệt, họ sẽ lâm nguy. 

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra trên khắp thế giới, tiềm ẩn nguy cơ lớn cho những doanh nghiệp nhỏ mà rất nhiều người nghèo trên thế giới sẽ còn phải dựa vào họ để có công ăn việc làm khi nền kinh tế rã băng. FINCA Impact Finance, một mạng lưới các MFI ở 20 nước (trụ sở tại Washington, D.C.), đã thực hiện khảo sát ở Uganda và nhận thấy 70% số khách hàng đã không thể duy trì hoạt động kinh doanh và 70% không có khoản tiền tiết kiệm dùng trong trường hợp khẩn cấp. 

 

Trevor Gosling, đồng sáng lập kiêm CEO tổ chức cho vay Lulalend ở Nam Phi, quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa cực kỳ gắt gao, cho biết hơn 85% doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động tại nước này. Thậm chí cho dù phong tỏa được nới lỏng từ ngày 1.5.2020 nhưng 80% sẽ vẫn tiếp tục đóng cửa. Tại Bolivia, Banco Solidario, một ngân hàng thương mại chuyên cho vay các doanh nghiệp nhỏ, cho biết 70-80% doanh nghiệp đi vay đã ngưng hoạt động. Chi nhánh tài chính vi mô của tổ chức phi chính phủ BRAC cũng đã ngưng dịch vụ tại tất cả 7 quốc gia ở châu Phi và châu Á mà tổ chức này hoạt động. 

World Bank ước tính những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm tới khoảng 90% doanh nghiệp và hơn 50% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Nhiều trong số đó, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Đó là lý do những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của những tổ chức tài chính nhắm đến đối tượng không có tài khoản ngân hàng. Đó là các MFI (cả MFI hoạt động vì lợi nhuận lẫn MFI vì mục đích từ thiện) với khoảng 140 triệu khách hàng trên toàn cầu, những công ty fintech sử dụng công nghệ số để tiếp cận người nghèo và các công ty tài chính phi ngân hàng khác. 

Sự gia nhập của các tổ chức tài chính này đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Theo số liệu năm 2017 của World Bank, số người chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chính thức trên toàn cầu đã giảm còn 1,7 tỉ, từ mức 2 tỉ vào năm 2014 và 2,5 tỉ năm 2011. Nhưng nay đại dịch COVID-19 đang đe dọa xóa sổ nhiều thập niên nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đưa dịch vụ tài chính đến với người nghèo, theo Michael Schlein, thuộc tổ chức phi chính phủ Accion.  

Tiền đã không chảy vào các MFI trong nhiều tuần lễ, dấy lên mối quan ngại từ các nhà đầu tư và ngân hàng đã cho những MFI này vay tiền. Vì thế, hàng chục ngân hàng trung ương các nước trong đó có Angola, Bolivia, Ai Cập, Jordan và Sri Lanka đã cho hoãn nợ linh hoạt hoặc bắt buộc đối với những đối tượng đi vay bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, cho phép các tổ chức tài chính vi mô hoãn trả nợ vay, đồng thời “đóng băng” hạn mức tín nhiệm nợ của người vay ở mức trước thời điểm phong tỏa. 

 

Áp lực của các MFI cũng được giải tỏa phần nào nhờ sự tăng mạnh của dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money). Năm ngoái số tài khoản tiền điện tử trên toàn cầu đã vượt 1 tỉ. Samir Shah, thuộc Dvara Trust xem đây là một điểm sáng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 khi có nhiều người vay Ấn Độ hơn sẵn sàng sử dụng dịch vụ tiền điện tử để trả nợ. Qasif Shahid, CEO Finja, một fintech tài chính vi mô dựa trên nền tảng số ở Pakistan, cũng chứng kiến sự tăng mạnh ở một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty: cung cấp tài chính cho các cửa hàng nhỏ địa phương, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời gian phong tỏa. 

Tiền điện tử có thể giải quyết nhiều vấn đề nhưng không thể đưa cả người vay lẫn các tổ chức tài chính vi mô khỏi khốn cảnh. Trên khắp thế giới, nhiều ý kiến cho rằng những người đi vay nghèo khó sẽ càng túng quẫn hơn vì 3 lý do. Thứ nhất, việc mất đi kế sinh nhai sẽ làm tồi tệ hơn tình trạng đói nghèo. Các chuyên gia kinh tế tại World Bank ước tính dịch có thể đẩy tăng tỉ lệ đói nghèo lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Tỉ trọng dân số thế giới sống chưa tới 1,90 USD/ngày dự kiến sẽ tăng từ 8,2% năm 2019 lên tới 8,6% vào năm 2020, tương đương 665 triệu người.

Thứ 2, khoảng trống trong hệ thống tài chính mà đã được lấp đầy bởi các tổ chức cho vay phi ngân hàng có thể một lần nữa bị kéo giãn khi một số tổ chức tài chính vi mô phá sản. Thứ 3, văn hóa tín dụng có thể bị lung lay. Tại Ấn Độ và nhiều nước khác, hạn mức tín nhiệm của người vay được giữ nguyên trong thời gian dịch. Nhưng khi phong tỏa được tháo dỡ, một số người vay sẽ bị hạ bậc tín nhiệm. Ioann Fainsilber, đồng sáng lập tổ chức cho vay Pintek ở Indonesia, cũng thừa nhận Công ty đã tránh việc báo cáo các trường hợp vỡ nợ cho cơ quan tín dụng của nước này, lấy lý do dịch bệnh. Hơn nữa, ngân hàng trung ương nhiều nước đã cho phép “đóng băng” các khoản nợ trong thời gian phong tỏa. Những điều này có thể làm lung lay tính kỷ cương trong quy trình thanh toán nợ vay, gia tăng rủi ro nợ xấu trong hệ thống tài chính. 

Đáng ngại nhất là hiện tại, các chính phủ trên thế giới vẫn mãi lo phòng chống dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng, còn các nước giàu thì lo lắng nền kinh tế toàn cầu và nước họ sẽ rơi vào suy thoái sâu rộng. Trong bối cảnh này, tình cảnh của những người dân nghèo, cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ không được quan tâm đúng mức trong khi họ là thành phần chủ chốt của nền kinh tế. “Lửa đang bùng cháy ở khắp nơi trên thế giới”, Andrée Simon, CEO của FINCA Impact Finance, lo ngại.