Lợi ích của thị trường carbon có thể được nhìn thấy qua cách chúng thúc đẩy các công ty khởi nghiệp về nhiên liệu trong nấu nướng. Ảnh: Koko
Tín chỉ carbon sẽ là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của châu Phi trong thời gian tới?
Trong ngôi nhà nhỏ ở Nairobi, thủ đô Kenya, bà Rose Muthoni hài lòng với chiếc bếp mới màu xanh đầy bắt mắt của mình. Cho đến gần đây, bà vẫn là một trong số khoảng 80% người châu Phi cận khu vực Sahara sử dụng củi hoặc than để nấu ăn, đã bỏ đi cách nấu này. Bà Muthoni cho rằng, than củi góp phần gây ra cái chết cho một trong những đứa con của bà. Chiếc bếp mới do Koko, một công ty khởi nghiệp ở Kenya, sản xuất, sử dụng ethanol sinh học, một loại nhiên liệu sạch và an toàn hơn.
Với các sản phẩm làm giảm lượng khí thải carbon, Koko có thể tạo ra các khoản tín dụng để giao dịch trên thị trường carbon toàn cầu. Số tiền công ty thu được sẽ làm giảm giá bán lẻ bếp lò và nhiên liệu. Bốn năm sau khi ra mắt, Koko đã được hơn 1/3 số hộ gia đình ở Nairobi sử dụng. Ông Greg Murray, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết: “Chúng tôi là một loại hình tiện ích năng lượng mới, nơi carbon quay lại trợ cấp cho giá cả thay vì đổ vào quỹ công”.
"Mỏ vàng kinh tế vô song"
Koko là một trong nhiều công ty phấn khích về thị trường carbon.Sáng kiến Thị trường Carbon châu Phi (ACMI), được khởi động bởi Liên Hợp Quốc. Ông William Ruto, Tổng thống Kenya, gọi tín chỉ carbon là “mỏ vàng kinh tế vô song” và là “mặt hàng xuất khẩu quan trọng tiếp theo” của đất nước. Tuy nhiên, như thường lệ đối với châu Phi và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực này, thực tế có thể không tốt đẹp đến vậy.
Châu Phi đã tham gia vào thị trường carbon trong nhiều thập kỷ, mặc dù chỉ ở bên lề. Khu vực chỉ chiếm 3% số tín chỉ được cấp theo Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), thị trường carbon quốc tế đầu tiên được thành lập dưới sự bảo trợ của LHQ. Tín chỉ từ các dự án châu Phi cũng chiếm khoảng 1/10 số tín chỉ được cấp trên các thị trường “tự nguyện”, nơi các công ty đầu ngành và người tiêu dùng phải trả tiền để “bù đắp” (carbon offset) lượng khí thải của họ.
Lợi ích của thị trường carbon có thể được nhìn thấy qua cách chúng thúc đẩy các công ty khởi nghiệp về nhiên liệu trong nấu nướng. Gần 1/4 tín chỉ carbon châu Phi được phát hành trên thị trường tự nguyện liên quan đến các dự án như vậy. Hơn một nửa trong số 30 công ty, bao gồm Koko, được hỗ trợ bởi Liên minh nấu ăn sạch, một tổ chức tài trợ, đã sử dụng—hoặc có kế hoạch sử dụng—thị trường carbon để thu hút tài chính.
Trong bối cảnh đó, ACMI và các tổ chức khác mong muốn tăng quy mô thị trường tự nguyện của Châu Phi. Vào tháng 9 tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi ở Nairobi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã cam kết mua khoản chứng chỉ trị giá 450 triệu USD. Trong khi Sở giao dịch chứng khoán Johannesburg gần đây đã ra mắt thị trường tự nguyện của riêng mình.
Tuy nhiên, có một giải thưởng lớn hơn nhiều cho Châu Phi. Trong Thỏa thuận Paris, các quốc gia đã cam kết hạn chế lượng khí thải, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Điều 6 của hiệp ước đó có hiệu lực vạch ra một thị trường xuất khẩu chính thức về tín chỉ carbon, cho phép một quốc gia đáp ứng một phần NDC của mình bằng cách mua các khoản chứng chỉ (ITMO) do quốc gia khác cấp. Ý tưởng là để thị trường tìm ra những cách hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải đồng thời huy động vốn cho các dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển ở các nước nghèo. Ở Châu Phi, người ta hy vọng rằng điều 6 một ngày nào đó có thể giúp các tổ chức phát hành ở nước này có thể bán vào một số thị trường bắt buộc lớn nhất, với tổng trị giá khoảng 800 tỉ USD/năm, so với chỉ 2 tỉ USD cho thị trường bù đắp tự nguyện.
Vấn đề tiềm ẩn
Tuy nhiên, tín chỉ carbon không phải là không có vấn đề tiềm ẩn. Đầu tiên là không được tính hai lần, thể theo điều 6. Ví dụ: nếu Ghana bán tín chỉ cho Thụy Sĩ, nước này không thể tính lượng khí thải cắt giảm tương ứng là NDC của chính mình. Việc chọn các lĩnh vực đủ điều kiện cho ITMO ngày càng trở thành một phần trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế của một số chính phủ châu Phi. Ví dụ, Ghana sẽ không phát hành ITMO dựa trên việc chuyển đổi bóng đèn hoặc trồng cây trên các đồn điền của các hộ sản xuất nhỏ, vì đây là những việc rẻ tiền và dễ dàng mà nước này có thể tự làm được. Họ muốn phát hành ITMO để huy động nhiều tiền cho các dự án ở những lĩnh vực khó khăn hơn, chẳng hạn như năng lượng tái tạo và nhiên liệu nấu ăn.
Trở ngại thứ hai là sự hoài nghi kéo dài về tiềm năng tiết kiệm carbon của các khoản tín chỉ, đặc biệt là các khoản tín chỉ dựa trên các dự án lâm nghiệp. Vào tháng 8, một nghiên cứu trên tạp chí Science cho rằng 94% tín chỉ liên quan đến 26 dự án ở các nước đang phát triển không thực sự liên quan đến việc giảm phát thải. Vào tháng 11, giám đốc điều hành của công ty đền bù carbon lớn nhất thế giới, South Pole, đã từ chức giữa những cáo buộc Quảng cáo xanh (Green Washing). Vấn đề thứ ba là người dân địa phương nhận được bao nhiêu lợi ích từ tín chỉ carbon.
Và cuối cùng cũng như quan trọng nhất là vấn đề trong kế hoạch cam kết ngăn chặn nạn phá rừng. Điều này lý giải cho phản ứng trái chiều ở một số nơi, khi các thỏa thuận tạm thời được ký kết bởi 5 quốc gia châu Phi với một công ty tín chỉ carbon do một thành viên hoàng gia Dubai ở UAE điều hành - Blue Carbon. Đơn vị này đã ký các thỏa thuận ban đầu với Tanzania, Liberia, Zambia và Zimbabwe để quản lý rừng trên tổng diện tích đất liền rộng gần bằng nước Anh. Sau đó, họ có thể bán ITMO cho các quốc gia gây ô nhiễm chẳng hạn như UAE. Mặc dù chưa có thỏa thuận nào được chính thức thống nhất nhưng các nhà phê bình gọi đó là “chủ nghĩa thực dân carbon”.
Trong khi đó câu hỏi muôn thưở là làm thế nào châu Phi có thể tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình. Trong một thế giới nơi nhiều nước giàu đang cắt viện trợ cho châu Phi, Trung Quốc cho vay ít hơn và các chủ nợ thương mại yêu cầu lãi suất cao, các quốc gia châu Phi chắc chắn sẽ phải khám phá nguồn vốn mới.
Có thể bạn quan tâm:
Ấn Độ có thể làm gì để kinh tế tăng trưởng hơn nữa?
Nguồn The Economist