Tiết kiệm dư thừa sẽ gây ra bong bóng chứng khoán?
Giới chuyên gia kinh tế đang phập phồng lo sợ trước những diễn biến gần đây trên thị trường, nhất là việc làn sóng tiết kiệm toàn cầu đã chạm kỷ lục mới. Với lượng tiền tiết kiệm dư thừa, các nhà đầu tư châu Âu và châu Á đang đổ xô nhảy vào thị trường trái phiếu Mỹ. Trong khi đó, nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi mức lãi suất gần như bằng 0 ở thị trường nội địa, rót vốn vào các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm chứng khoán nợ được xếp hạng cao do các doanh nghiệp như IBM và General Electric phát hành, hay chứng khoán rủi ro cao hơn được phát hành bởi các công ty viễn thông và năng lượng.
Ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại dòng tiền ồ ạt này có thể thổi phồng giá trị của chứng khoán cao hơn nhiều so với giá trị thực sự của chúng, dẫn đến hình thành bong bóng trên thị trường và cuối cùng xì hơi.
Ở góc độ rộng hơn, giới chuyên gia kinh tế lo ngại việc thừa tiền quá mức ở châu Âu và châu Á có thể kìm hãm triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới. Lý do là tiền mặt, thay vì được chi tiêu vào việc xây dựng cầu đường như ở Đức hay vào các đợt mua sắm tiêu dùng cá nhân ở Trung Quốc và Nhật, thì lại đang được tích lũy và rót vào các thị trường vốn toàn cầu, giữ lãi suất ở mức thấp khi các nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận. Một lần nữa, theo các chuyên gia, gánh nặng lại được đặt lên Mỹ, buộc nền kinh tế với đà phục hồi còn mong manh này trở thành động cơ tăng trưởng cho cả guồng máy thế giới.
“Châu Á và châu Âu tiếp tục “xuất khẩu” lượng tiết kiệm khổng lồ của họ sang phần còn lại của thế giới. Việc tất cả số tiền này loanh quanh tìm kiếm một bến đậu là dấu hiệu không hề tích cực, cho thấy thiếu nhu cầu ở những nơi khác trong nền kinh tế toàn cầu”, Brad W. Setser, chuyên gia về dòng tiền tài chính toàn cầu, từng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ từ năm 2011-2015, nhận xét.
Việc dòng tiền tăng mạnh gợi nhớ lại làn sóng đầu tư trong những năm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra. Giai đoạn đó, hầu hết các nhà đầu tư châu Âu ồ ạt mua hàng tỉ USD chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp trước khi bong bóng thị trường nhà đất Mỹ nổ tung.
Các con số hiện tại cũng cho thấy nỗi ám ảnh tương tự. Theo số liệu của Setser, khoảng 750 tỉ USD dòng tiền cá nhân đã được rót vào Mỹ chỉ riêng trong 2 năm qua. Ông tính toán khoảng 500 tỉ USD được các nhà đầu tư châu Âu và châu Á dùng mua vào chứng khoán của chính phủ Mỹ, trái phiếu được phát hành bởi Fannie Mae và nợ do các công ty Mỹ phát hành. Phần còn lại từ các nhà đầu tư tổ chức Mỹ muốn “vứt bỏ” các trái phiếu châu Âu gần như không cho đồng sinh lời nào để tìm đến những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn ở thị trường nội địa.
Thủ phạm, theo Setser, là làn sóng tiết kiệm toàn cầu đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, được thúc đẩy bởi xu hướng trữ tiền ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. “Có một lượng vốn cực lớn và lượng vốn này không hề lành mạnh”, ông nói.
Cha đẻ của thuật ngữ “global savings glut” (tạm dịch: làn sóng tiết kiệm toàn cầu) là ông Ben S. Bernanke, người đã đưa ra thuật ngữ này vào năm 2005 trước khi trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Vào tháng 9.2007, khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu thành hình, ông Bernanke đã có bài phát biểu tại Berlin. Trong đó, ông khuyến cáo những mối nguy hiểm mà làn sóng tiết kiệm toàn cầu này gây ra cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Ben Bernanke, Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ảnh: reuters.com |
Theo ông Bernanke, việc dòng vốn lớn đang hình thành ở các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc đã khiến cho lãi suất toàn cầu ở mức thấp và lèo lái dòng tiền vào các khoản đầu tư rủi ro. Trong vòng vài tháng, các ngân hàng đầu tư tại Mỹ đã bắt đầu cảm nhận nỗi đau khi thị trường chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp một thời bùng nổ bỗng chốc sụp đổ. Qua thời gian, giới làm chính sách và giới hàn lâm đã chấp nhận một sự thật rằng làn sóng tiết kiệm toàn cầu mà ông Bernanke mô tả đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong bong bóng nhà đất, sau đó xì hơi tại Mỹ.
Giờ đây, gần 1 thập niên sau lời khuyến cáo của ông Bernanke, Setser và những chuyên gia kinh tế khác đang gióng hồi chuông cảnh báo khi chứng kiến dòng vốn này đang phình lên rất to và nguy hiểm hơn bao giờ hết, được thúc đẩy bởi sự gia tăng không ngừng lượng tiết kiệm dư thừa tại Trung Quốc và những nơi khác ở châu Á và châu Âu, đặc biệt là Đức.
Không phải ai cũng đồng ý với thuyết “làn sóng tiết kiệm toàn cầu”, đặc biệt không phải là những quốc gia đang ngồi trên khối tiền khổng lồ này và đang đối mặt với áp lực phải bắt tay hành động như Đức, chẳng hạn. Quan điểm ngược lại của họ là chính động thái in tiền “quá tay” của các ngân hàng trung ương toàn cầu mới là mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, không thể chối bỏ một sự thật rằng làn sóng tiết kiệm toàn cầu hiện đã chạm mức kỷ lục, khiến nhiều người phải kinh ngạc: 1.200 tỉ USD, cao hơn một chút so với con số của năm 2007 khi ông Bernanke đưa ra lời khuyến cáo. Ba phần tư số tiền này đến từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Phần còn lại đến từ những quốc gia có lượng tiết kiệm lớn ở Bắc Âu như Đức và Hà Lan, thay vì các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông, vốn chứng kiến dòng tiền của họ bị mai một theo đà giảm của giá dầu.
Vào thời điểm năm 2005, khi ông Bernanke đề cập góc khuất của dòng tiền tiết kiệm ở nước ngoài, lúc đó thị trường nhà đất Mỹ vẫn còn tăng trưởng mạnh. Vì thế, khuyến cáo của ông cũng không tạo tiếng vang. Điều đó cũng dễ hiểu, vì như ông Bernanke chỉ ra, vấn đề lúc đó không phải là nợ quá lớn mà là có quá nhiều tiền.
Những cuộc khủng hoảng trước đây trên thế giới như cuộc khủng hoảng Mexico năm 1994 và Đông Nam Á vào năm 1997-1998 thường là các câu chuyện về những nền kinh tế tăng trưởng nhanh bị dính vào các khoản nợ chất chồng và sau đó cạn tiền.
Giờ đây, ông Bernanke chỉ ra mối nguy hiểm: cũng các quốc gia đó đang bảo vệ dòng tiền của họ bằng cách tăng cường xuất khẩu mà không đầu tư nhiều ở mức cần thiết, tạo ra làn sóng tiết kiệm lớn và đang tăng mạnh.
Gần đây, các nhà phê bình lại hướng lời chỉ trích về phía các nền kinh tế phát triển chủ chốt như Đức và các quốc gia có lượng tiết kiệm lớn khác tại châu Âu như Hà Lan vì đã để cho thặng dư tài khoản vãng lai của họ tăng hơn 4 lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, lên tới 488 tỉ USD hiện nay (thặng dư tài khoản vãng lai xảy ra khi một quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu hay khi tiết kiệm nhiều hơn đầu tư). Nhưng Setser cũng chỉ ra việc thặng dư tăng mạnh ở các nước Đông Á lại ít bị chú ý. Đó là bởi vì, theo ông, thậm chí với làn sóng đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây, tỉ lệ tiết kiệm của nước này vẫn gần mức 50%, một tỉ lệ quá cao đối với nền kinh tế toàn cầu.
“Đó là một vấn đề lớn. Không có cách nào buộc những nước tiết kiệm quá nhiều phải chi tiêu nhiều hơn”, Nouriel Roubini, chuyên gia kinh tế tại Đại học New York, nhận xét. Ông Roubini là người đã đưa ra những cảnh báo sớm về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tất cả những điều này như một thanh gươm treo lơ lửng trên đầu đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến cho lãi suất tiếp tục ì ạch ở mức thấp và làm suy yếu triển vọng tăng trưởng. “Ông Bernanke giờ còn đúng hơn thời điểm ông khuyến cáo vào năm 2005 và năm 2007”, Setser nói.
Mặc dù chưa ai dám khẳng định dòng vốn đầu tư ồ ạt đã tạo ra một bong bóng tài sản tương tự như bong bóng của năm 2008, nhưng những thành viên tham gia thị trường thừa nhận rằng ở một số phân khúc của thị trường như trái phiếu rủi ro cao đã có dấu hiệu leo dốc trong thời gian gần đây.
Ken Monaghan, giám sát trái phiếu lợi suất cao cho nhà quản lý quỹ toàn cầu Amundi Smith Breeden, cho biết ông đang chứng kiến sự quan tâm tăng lên mạnh mẽ từ phía các quỹ lương hưu và các công ty bảo hiểm châu Á và châu Âu; nhiều trong số đó là những khách hàng có quan điểm “bảo thủ”, chưa hề nhảy vào các loại chứng khoán nói trên. “Chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư tổ chức đang tìm đến chúng tôi và hỏi về mức độ rủi ro mà trước giờ họ chưa bao giờ hỏi tới”, ông nói.
Đàm Hoa
Nguồn NYT