Tiền tệ châu Á ghi nhận đợt giảm giá dài nhất 8 tháng
Trong đó, đồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia là 2 đồng tiền giảm mạnh nhất thị trường tiền tệ châu Á sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng dự báo lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2015.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9, rupiah giảm 1,4% xuống 11.980 rupiah/USD tại Jakarta và ringgit giảm 1,2% xuống 3,2373 ringgit/USD.
Hiện nay, Malaysia là nước rất dễ bị tổn thương trước dòng vốn đang chảy ra khỏi các thị trường mới nổi này bởi tính đến tháng 7, giới đầu tư thế giới đang nắm giữ 32% nợ chính phủ nước này, theo số liệu của ngân hàng trung ương Malaysia. Ngân hàng trung ương Malaysia tiến hành nâng lãi suất chuẩn lên 3,25% trong ngày 18/9 sau đợt tăng trước đó hồi tháng 7.
Trong khi đó, đồng peso của Philippines cũng giảm 1,2% xuống 44,43 USD trong phiên giao dịch ngày 18/9 trước khi các thị trường tài chính buộc phải ngừng giao dịch vì bão lớn.
Đồng won của Hàn Quốc giảm 0,2% xuống 1.044,70 won/USD tại Seoul trong phiên giao dịch ngày 19/9 và giảm 0,9% trong cả tuần.
Tại Thượng Hải, nhân dân tệ giảm 0,1% trong tuần này xuống 6,1405 CNY/USD sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bắt đầu bơm 500 tỷ nhân dân tệ vào 5 ngân hàng lớn nhất nước này.
Ngoài ra, Đôla Đài Loan giảm 0,6%, rupee của Ấn Độ giảm 0,3%, baht của Thái Lan và Việt Nam đồng của Việt Nam đều biến động nhẹ so với USD, lần lượt giao dịch ở 32,232 baht/USD và 21.205 VND/USD trong phiên ngày 19/9.
Theo nhận định của một số chuyên gia, lo ngại lớn nhất của thị trường hiện nay là dòng vốn đang có xu hướng chuyển từ châu Á sang Mỹ trong bối cảnh Mỹ có thể nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Đồng thời, giới đầu tư toàn cầu đã rút tổng 1 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Philippines trong tuần này.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg