Thứ Năm | 19/07/2012 16:10

Tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp Mỹ lên hàng nghìn tỷ USD

Việc các doanh nghiệp tích trữ tiền mặt trong ngân hàng, kho bạc và các trái phiếu miễn thuế đang đặt kinh tế Mỹ vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo dữ liệu từ Sở thuế vụ Mỹ (IRS), số tiền nhàn rỗi khổng lồ này đủ để tạo thêm việc làm, chi trả cổ tức hoặc thậm chí trả các khoản phạt thuế vì tích trữ tiền mặt cho chính quyền liên bang.

Trước đó, trong báo cáo mới nhất về Luân chuyển dòng vốn,  Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho rằng các công ty phi tài chính Mỹ hiện nắm khoảng 1,7 nghìn tỷ USD trong tài sản lưu động tính đến cuối tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, những số liệu từ IRS lại cho thấy chỉ riêng trong năm 2009, các doanh nghiệp này nắm tới 4,8 nghìn tỷ USD tài sản lưu động, tương đương với 5,1 nghìn tỷ USD tính theo thời giá hiện tại, điều đó có nghĩa lượng tiền nhàn rỗi hiện tại ít nhất phải cao gấp 3 lần báo cáo của Fed.

Lương tiền nhàn rỗi của các doanh nghiệp Mỹ trong năm 2009 theo IRS.
Lương tiền nhàn rỗi của các doanh nghiệp Mỹ trong năm 2009 theo IRS.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao lại có khoảng cách lớn như vậy giữa hai báo cáo?

Câu trả lời là: Fed nhận dữ liệu từ IRS, song đó chỉ là những số đo về luồng vốn di chuyển trong kinh tế nội địa. Trong khi đó, các báo cáo của IRS lại bao quát lượng tài sản nắm giữ trên toàn cầu của các doanh nghiệp Mỹ. Do đó, hiển nhiên số liệu của IRS sẽ tiết lộ được nhiều điều hơn.

Theo quan điểm của các công ty Mỹ, tích trữ tiền mặt vào thời điểm hiện tại đem lại cho họ cảm giác an toàn.

Trước hết, Quốc hội không quy định đánh thuế với những khoản tích lũy lợi nhuận ở nước ngoài, với điều kiện số tiền mặt này do các công ty con bên ngoài nước Mỹ nắm giữ. Thứ hai, các công ty vừa trải qua một giai đoạn khó khăn trong việc đẩy nguồn tiền tích trữ vào thị trường do số lượng việc làm ít, tiền công thấp hơn dẫn đến nhu cầu với các sản phẩm và dịch vụ cũng thấp hơn. Thứ ba, việc tích trữ tiền mặt sẽ tạo một lớp đệm an toàn cho các giám đốc điều hành (CEO) trong trường hợp kinh tế xấu đi.

Trải qua một thời gian dài kể từ khủng hoảng tài chính, nhiều người cho rằng các doanh nghiệp Mỹ đã cạn tiền mặt kể từ năm 2009. Tuy nhiên, thực tế là lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đều tăng vọt, từ chưa đầy 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2009 lên 1,9 nghìn tỷ USD trong năm 2010 và gần 2 nghìn tỷ USD trong năm 2011, dữ liệu từ Cục phân tích kinh tế liên bang (BEA) cho thấy.

Như vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng gần 1 nghìn tỷ USD trong 2 năm qua, trong khi thuế thực tế phải trả lại tăng chưa đến 1/10, BEA cho biết. Cổ tức, tiền lương và chi phí vốn đều tăng ít hơn lợi nhuận, trong khi lợi nhuận chưa phân phối tăng. Kết quả là: Tiền nhàn rỗi tăng lên.

Lợi nhuận lớn hơn là điều đáng mừng, song sẽ đáng mừng hơn nữa khi những lợi nhuận này được đưa vào thị trường, thay vì được tích trữ trong các tài khoản ngân hàng với lãi suất khiêm tốn. Việc các doanh nghiệp tích trữ tiền mặt trong ngân hàng, kho bạc và các trái phiếu miễn thuế đang đặt kinh tế Mỹ vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng, các nhà phân tích kinh tế nhận định.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Mỹ nắm giữ tiền mặt lớn hơn là việc làm cần thiết để chi trả cho các hoạt động của họ. Nhưng đối với nhà đầu tư, việc các doanh nghiệp nắm giữ tới 11,3% tài sản bằng tiền mặt của họ khiến lợi nhuận giảm.

Đối với người công nhân, tiền mặt nhàn rỗi đồng nghĩa bàn tay và khối óc của họ cũng nhàn rỗi theo. Với tỷ lệ 1/5 người Mỹ bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, đáng lý ra lượng tiền mặt như vậy không nên có thời gian thảnh thơi để tích trữ hàng núi trong ngân hàng như vậy.

Đối với những người nộp thuế, lợi nhuận không bị đánh thuế làm giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp đồng thời đẩy gánh nặng đó sang cho các cá nhân. Bởi lẽ các khoản thuế với lợi nhuận ở nước ngoài không được điều chỉnh theo lạm phát trong nước. Kết quả là, người dân Mỹ phải chịu gánh nặng thuế gấp đôi khi chính phủ phải oằn mình trả lãi cho các khoản vay trước đó trong khi tiền thu về từ các doanh nghiệp lại chẳng được bao nhiêu.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện