
Nhiều người dân Trung Quốc vẫn dè dặt vì chi phí nuôi con không chỉ là tiền. Ảnh: The Economist.
Tiền mặt không thể cứu được tỉ lệ sinh giảm ở Trung Quốc
Tại thành phố Hohhot ở miền bắc Trung Quốc, chị Liu và các đồng nghiệp ở một cửa hàng đồ dùng trẻ em luôn phải nghĩ ra những cách mới để thu hút khách. Gần đây, cửa hàng và nhiều đối thủ cạnh tranh đã bắt đầu phát mẫu sữa công thức cho trẻ em ở trước cổng bệnh viện phụ sản gần đó. Hohhot là thủ phủ của khu tự trị Nội Mông, nơi đặt trụ sở của hai trong số các hãng sữa lớn nhất thế giới. Thế nhưng, ngày càng ít trẻ em ra đời tại đây để tiêu thụ nguồn sữa dồi dào ấy.
Giống như Hàn Quốc, Trung Quốc đang đối mặt với tỉ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng. Năm ngoái, dân số nước này giảm năm thứ ba liên tiếp, trong khi tỉ lệ kết hôn lao dốc tới 21%, chạm mức thấp kỷ lục. Xã hội già hóa nhanh đang gây áp lực nặng nề lên lực lượng lao động thu hẹp dần. Trong bối cảnh kinh tế hậu COVID-19 vẫn ì ạch, chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên cam kết trợ cấp nuôi con và miễn học phí mầm non trong báo cáo công tác trình Quốc hội hồi tháng trước, nhằm khuyến khích sinh đẻ.
![]() |
Trong khi Bắc Kinh còn đang bàn thảo chi tiết, nhiều địa phương đã chủ động hành động. Hai tỉnh và ít nhất 20 thành phố, bao gồm cả Hohhot, đã triển khai các gói trợ cấp sinh con, thường ưu đãi hơn cho con thứ hai và thứ ba. Một số địa phương bắt đầu ghi nhận kết quả tích cực. Thành phố nhỏ Tianmen ở miền Trung Trung Quốc đã tung ra gói hỗ trợ lên tới 280.000 nhân dân tệ (khoảng 38.000 USD), bao gồm cả nghỉ thai sản và trợ cấp nhà ở.
Năm 2024, sau tám năm tỉ lệ sinh giảm liên tiếp, Tianmen ghi nhận mức tăng 17%. Tuy nhiên, hiện tượng này trùng với làn sóng lao động nhập cư quay trở lại địa phương và năm Rồng, thời điểm được coi là may mắn để sinh con. Tianmen cũng áp dụng hệ thống khuyến khích thăng tiến sự nghiệp cho các bậc phụ huynh có hai hoặc ba con.
Tuy nhiên, người dân ở Hohhot phản ứng dè dặt hơn. Ngày 13/3, thành phố công bố gói hỗ trợ sinh con thuộc hàng lớn nhất cả nước. Mẹ sinh con đầu lòng nhận 10.000 tệ; con thứ hai được hỗ trợ 50.000 tệ trong vòng 5 năm; và con thứ ba nhận 100.000 tệ trong 10 năm, gấp đôi thu nhập trung bình hằng năm tại đây. Thế nhưng, ngoài tiền mặt, thành phố không đưa ra thêm hỗ trợ thiết thực. Một nhân viên tại văn phòng đăng ký trợ cấp tiết lộ rằng sau một tháng triển khai, họ chỉ nhận được 7–8 cuộc hỏi thăm.
Chị Liu (35 tuổi), đã có một con, cho biết chị sẽ cân nhắc sinh thêm nếu điều kiện tài chính cho phép. Nhưng theo chị, các gói hỗ trợ hiện tại không thể bù đắp chi phí nuôi con đắt đỏ và thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em. “Chính sách này có thể thay đổi suy nghĩ của những người đang lưỡng lự, nhưng với tôi thì không”, chị nói.
Trong khi đó, chị Wu (29 tuổi), một công chức sắp sinh con đầu lòng, cho biết khoản hỗ trợ 10.000 tệ chỉ đủ để trang trải một phần vay mua nhà hoặc xe. “50.000 tệ thì không đủ để nuôi con thứ hai,” chị nói thêm. Viện Nghiên cứu Dân số YuWa ước tính chi phí nuôi một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành dao động từ 130.000 tệ đến 1,3 triệu tệ, tùy mức thu nhập gia đình. Giáo sư Wang Feng từ Đại học California, Irvine nhận định: “Không thể “mua” trẻ em bằng tiền bạc. Chi phí kéo dài cả đời, nhưng vấn đề không chỉ nằm ở tiền bạc”.
Dù vậy, Giáo sư Wang cho rằng trợ cấp sinh con vẫn là hướng đi đúng. Đây là hình thức chuyển tiền mục tiêu, đồng thời phù hợp với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Ngân hàng Citi ước tính nếu áp dụng chính sách của Hohhot trên toàn quốc, chính phủ có thể chuyển tới 95 tỉ nhân dân tệ cho các hộ gia đình trong năm đầu, tương đương khoảng 0,07% GDP. Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi, chính phủ trung ương sẽ phải bơm thêm ngân sách, trong bối cảnh nhiều địa phương đang gặp khó khăn tài chính.
Ngoài vấn đề kinh tế, thay đổi trong quan niệm sống cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Trong công viên ở Hohhot, bà Quách (50 tuổi), đang dắt chó đi dạo cho biết bà từng hy sinh tuổi trẻ để nuôi con và không muốn con gái mình đi vào vết xe đó. Bà cũng cho biết đã từ chối chăm sóc cháu cho con cái, dù đây từng là việc rất phổ biến trong các gia đình Trung Quốc.
Thông báo trợ cấp mới khiến cổ phiếu các công ty sữa tăng giá, nhưng vẫn chưa đủ để doanh số sữa công thức bật tăng nga lập tức. Trẻ con ngày càng ít, còn những cha mẹ tương lai vẫn đang cân nhắc rất kỹ, bởi sinh con là quyết định mang tính lâu dài, không thể giải quyết chỉ bằng tiền.
Có thể bạn quan tâm:
Cấy ty thể: Hướng đi mới cho y học tái tạo
Nguồn The Economist