
Các quốc gia tăng cường hệ thống thanh toán nội địa, giảm phụ thuộc thẻ tín dụng phương Tây. Ảnh: Nikkei Asia.
Tiền mặt dần biến mất tại châu Á
Tiền mặt đang dần biến mất khỏi các giao dịch tiêu dùng tại châu Á, nhường chỗ cho công nghệ thanh toán qua mã QR và các phương thức thanh toán qua smartphone. Theo Worldpay, tiền mặt dự kiến chỉ chiếm 14% tổng giao dịch vào năm 2027, giảm mạnh so với 47% năm 2019.
Xu hướng này được thúc đẩy bởi các quốc gia như Ấn Độ, nơi chính phủ đẩy mạnh phát triển hệ thống thanh toán kỹ thuật số nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào các thương hiệu thẻ tín dụng phương Tây.
Tại Mumbai, các dịch vụ giao hàng bằng xe máy đang bùng nổ, với thời gian giao chỉ 10 phút và thanh toán hoàn toàn qua điện thoại. Nhiều dịch vụ không còn chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Giá trị giao dịch bằng tiền mặt tại Ấn Độ dự báo giảm xuống 10% vào năm 2027, so với 71% năm 2019.
Hệ thống Giao dịch Thanh toán Hợp nhất (UPI), ra mắt năm 2016, là một trong những động lực chính thúc đẩy thanh toán số tại Ấn Độ. Theo PwC Ấn Độ, trong năm tài chính 2023, hệ thống này đã xử lý hơn 131 tỉ giao dịch.
Trung Quốc cũng dẫn đầu xu hướng này khi hơn 1 tỉ người đang sử dụng Alipay và các ứng dụng thanh toán số khác. Tỉ lệ giao dịch bằng tiền mặt tại nước này được dự báo sẽ giảm còn 3% vào năm 2027. Ant International, đơn vị vận hành Alipay ngoài Trung Quốc, đang mở rộng mạng lưới với hơn 10 triệu điểm chấp nhận thanh toán tại nước ngoài.
Trung bình, tỉ lệ giao dịch tiền mặt tại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á dự kiến giảm 33 điểm phần trăm so với năm 2019, xuống còn 14% vào năm 2027, chỉ cao hơn mức 12% của châu Âu. Theo Capgemini, đến năm 2028, châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt 1,46 nghìn tỉ giao dịch không tiền mặt mỗi năm, cao hơn bốn lần so với Bắc Mỹ, nơi thẻ tín dụng vẫn chiếm ưu thế.
![]() |
Điện thoại thông minh là yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng này. Trước đây, thanh toán không tiền mặt phát triển chậm tại Đông Nam Á do tỉ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng thấp, khiến thẻ tín dụng kém phổ biến hơn so với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, điện thoại thông minh đã thay đổi cục diện: chỉ cần số điện thoại và một số thông tin cơ bản, người dùng có thể thực hiện giao dịch dễ dàng.
Dự báo đến năm 2027, trung bình 46% giao dịch tại các cửa hàng trên toàn cầu sẽ được thực hiện qua điện thoại thông minh, gấp đôi tỉ lệ 22% của thẻ tín dụng.
Một động lực khác thúc đẩy thanh toán số tại châu Á là chiến lược của các chính phủ nhằm giảm ảnh hưởng của các thương hiệu thẻ tín dụng quốc tế như Visa và MasterCard, vốn thu phí giao dịch cao và thu thập dữ liệu người dùng.
Tại Đông Nam Á, các quốc gia đang hợp tác phát triển hệ thống thanh toán số dựa trên mã QR. Người dùng tại Thái Lan có thể chuyển tiền đến Singapore thông qua liên kết giữa PromptPay và PayNow. Nghiên cứu cũng đang được triển khai nhằm xây dựng hệ thống thanh toán thời gian thực xuyên biên giới trong khu vực.
“Theo đuổi một hệ thống thanh toán độc lập với mạng lưới quốc tế, Đông Nam Á đang nỗ lực hình thành một ‘khối thanh toán châu Á’”, ông Akira Yamagami, Chuyên gia tại Viện Tư vấn Quản lý NTT Data (Tokyo), nhận định.
Dù vậy, nhiều sáng kiến này vẫn chủ yếu do chính phủ dẫn dắt, với mục tiêu giữ phí giao dịch ở mức thấp. Để đảm bảo tính bền vững, các nhà vận hành cần tìm cách duy trì lợi nhuận đủ để đổi mới, đồng thời giữ mức phí phù hợp với cả người tiêu dùng và nhà bán lẻ.
Nguồn Nikkei Asia