Thứ Năm | 30/05/2013 14:57

Tiền gửi tiếp tục bốc hơi khỏi nhiều nước eurozone

Lượng tiền gửi tại ngân hàng của nhiều nước thành viên khu vực đồng euro (eurozone) giảm khiến cho hoạt động cho vay gặp khó khăn.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố ngày 29/5, lượng tiền gửi của các ngân hàng tư nhân trong hầu hết các nước eurozone đang gặp khó khăn đều giảm trong tháng 4 mặc dù tiền gửi tại các quốc gia khác trong khu vực vẫn tăng.

Từ tháng 3 tới nay, tiền gửi của hộ gia đình tăng 10 tỷ euro (12,9 tỷ USD). Tuy nhiên tại một số quốc gia như Síp, lượng tiền gửi tư nhân giảm 7,3%, tương đương 3,2 tỷ euro xuống 42,32 tỷ euro do người gửi tiền cố gắng rút tiền khi chính phủ Síp áp đặt kiểm soát vốn.

Tại Hy Lạp, lượng tiền gửi tư nhân giảm 1,6%, tương đương 2,8 tỷ euro, vẫn cao hơn 10%% so với lượng tiền gửi thấp nhất hồi tháng 6/2012. Tuy nhiên, điều này vẫn cho thấy niềm tin đang trở lại kể từ khi chính phủ nước này tái cấu trúc nợ lần thứ 2 và tái cấp vốn các ngân hàng lớn nhất vào tháng 2 năm ngoái.

Tây Ban Nha là quốc gia có lượng tiền gửi giảm mạnh nhất khoảng 1,5%, tương đương 23 tỷ euro, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10. Giống như Síp, các ngân hàng Tây Ban Nha cũng nhận được gói cứu trợ lớn và việc cứu trợ này vẫn chưa khôi phục được niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng.

Ngược lại, Malta và Luxembour, hai quốc gia nhỏ ở tình trạng tốt hơn với mức giảm lần lượt 0,3% và 0,6%. Trong khi đó lượng tiền gửi tại các ngân hàng Đức, Bỉ, Áo, Estonia, Slovakia và Đức tăng.

Tiền gửi giảm ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của các ngân hàng. ECB cho biết lượng các khoản vay cho các doanh nghiệp trong eurozone giảm 17 tỷ euro trong tháng 4, mức giảm lớn nhất trong năm nay. Hoạt động cho vay các hộ gia đình tăng 1 tỷ euro, mức tăng thấp nhất trong năm 2013.

Trong tháng 4, tín dụng trong khu vực tư nhân giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và so với mức giảm 0,8% của tháng 2 và tháng 3. Hoạt động cho vay tăng trưởng chậm tại hầu hết các nền kinh tế lớn của eurozone, đặc biệt là Đức nhưng lại giảm mạnh tại các nước đang gặp khó khăn về tài chính.

Hoạt động cho vay tại Tây Ban Nha giảm 12% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2012 trong khi tại Slovenia giảm 7,2%, Hy Lạp và Bồ Đào Nha giảm 6,3%.

Các quan chức ECB cho rằng hệ quả từ gói cứu trợ Síp chỉ mang tính địa phương và tạm thời. Phản ứng từ thị trường tài chính với những cú sốc chính trị trong nửa đầu năm nay không lớn là nhờ nỗ lực hỗ trợ thị trường trái phiếu và giảm áp lực tài trợ cho ngành ngân hàng của các chính phủ.

Về cơ bản, điều kiện lĩnh vực tài chính hiện nay vẫn tốt nhất trong 2 năm qua. Tuy nhiên, ECB cũng cảnh báo một số rủi ro vẫn còn tồn tại. Rủi ro lớn nhất hiện nay là suy thoái kinh tế có thể tác động xấu tới hệ thống tài chính.

Nguồn WallStreetJournal/Dân Việt


Sự kiện