Tiền đổ về châu Á khiến các ngân hàng trung ương lo ngại
Nhà đầu tư đổ tiền vào châu Á để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đồng loạt nới lỏng tiền tệ khiến tiền của các nước này mất giá. Ngoài ra, châu Á cũng hấp dẫn nhà đầu tư khi kinh tế khu vực này tiếp tục tăng trưởng.
Theo số liệu của EPFR Global, từ đầu năm đến nay, gần 7 tỷ USD đổ vào các quỹ đầu tư chứng khoán thị trường mới nổi, tương tự như năm 2010. Dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi toàn cầu đến tháng 4 cũng tăng 42% so với cùng kỳ năm trước lên 64 tỷ USD, báo cáo của World Bank cho hay.
Tiền đổ vào châu Á cũng khiến dự trữ ngoại hối của các NHTW ở đây tăng nhanh. Dữ liệu của World Bank cho biết, dự trữ ngoại hối của các nước châu Á đang phát triển tăng thêm 120 tỷ USD từ đầu năm đến nay, nâng tổng dự trữ lên 4.300 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng tiền đổ vào của năm nay vẫn thấp hơn so với năm 2010 do đó tần suất can thiệp thị trường của các NHTW cũng ít hơn.
Thu hút đầu tư nước ngoài một mặt mang lại lợi ích mặt khác khiến nội tệ của các quốc gia tăng giá và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa nước đó trên thị trường thế giới, gây bất ổn hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ địa phương.
Các NHTW do đó rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”, họ đối phó với dòng tiền nóng bằng cách hạ lãi suất nhưng ở một số nền kinh tế, động thái đó có thể gây bong bóng tài sản và nguy cơ tăng trưởng quá nóng, chuyên gia kinh tế Stephen Schwartz tại Hong Kong nhận định.
Nguồn WSJ/Dân Việt