Tiền cho Hy Lạp lại vào túi các nhà cứu trợ châu Âu
Tuy nhiên, không một đồng xu nào trong số tiền đó đến được tay Chính phủ Hy Lạp để chi trả cho các dịch vụ công cộng trọng yếu. Thay vào đó, chúng lại quay trở lại đổ vào túi của nhóm tam hùng, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Gói cứu trợ tài chính trị giá 130 tỷ euro (164 tỷ USD) của châu Âu, với mục tiêu giúp Hy Lạp kéo dài thời gian, chủ yếu chỉ phục vụ cho việc thanh toán lãi suất các khoản nợ - trong khi nền kinh tế Hy Lạp tiếp tục phải vật lộn để sống sót.
Bên cạnh chút ít ý nghĩa về kinh tế, một điều hiển nhiên là gói cứu trợ tài chính của châu Âu còn bao hàm cả ý nghĩa chính trị. Sau tất cả, tiền phân phối bởi nhóm tam hùng - IMF, EU và ECB - là của những người phải đóng thuế ở châu Âu, nhiều người trong số họ đang ngày càng cảnh giác với những bất ổn chính trị đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến Hy Lạp và phủ bóng lên tương lai của eurozone.
Ngoài số tiền tự trả cho chính mình, các thành viên trong nhóm tam hùng cũng phải huy động nhiều quỹ khác để duy trì cho Chính phủ Hy Lạp hoạt động.
Tuần trước, một văn phòng tại Athens chuyên trách về theo dõi thu nhập cho biết Hy Lạp có thể cạn tiền ngay trong tháng 7. Điều đó đồng nghĩa Hy Lạp sẽ không thể thanh toán các khoản nợ, ngoại trừ các khoản nợ của nhóm tam hùng.
"Hy Lạp sẽ không bị vỡ nợ đối với các khoản cho vay của nhóm tam hùng bởi lẽ nhóm tam hùng đang tự cho vay và tự trả." cố vấn cấp cao tại ngân hàng Deutsche Bank ở Frankfurt, ông Thomas Mayer nhận xét.
Với một hệ thống thanh toán phức tạp, được khởi xướng từ sau cuộc bầu cử hôm 6/5 - cuộc bầu cử đã đẩy tình hình chính trị Hy Lạp vào hỗ loạn và khiến người dân không thể có được tiền mặt, ba chủ nợ lớn của Athens đang chuyển tiền vào một tài khoản có thời hạn tại Hy Lạp. Số tiền này nằm tại đó từ 2 đến 3 ngày trước khi phần lớn trong số chúng được gửi trả lại cho nhóm tam hùng với tư cách là các khoản thanh toán lãi suất trái phiếu Hy Lạp.
Theo tính toán của ngân hàng đầu từ UBS, khoảng 3/4 số nợ của Hy Lạp, tương đương 229 tỷ USD, hiện thuộc quyền sở hữu của một trong ba thành viên của nhóm tam hùng.Theo ông Mayer, ECB là thành viên đặc biệt mong muốn được trả lại tiền. Để bình ổn thị trường tài chính, ngân hàng này đã mua hàng tỷ euro trái phiếu Hy Lạp mỗi tháng. "Đó là lý do vì sao giờ đây họ muốn được thanh toán nợ hàng tháng. ECB đã mua trái phiếu với giá cao và họ mong muốn được thanh toán đầy đủ," ông Mayer khẳng định.
ECB đã trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp sau khi ngân hàng này bắt đầu mua nợ của các nước đang gặp khó khăn trong eurozone trong năm 2010 để bình ổn giá. Ngân hàng không tiết lộ đã mua bao nhiêu nợ Hy Lạp, song ước tính vào khoảng 44-69 tỷ euro.
Trái phiếu Hy Lạp sẽ tiếp tục là khoản đầu tư đem lại lợi nhuận đối với ECB, miễn là Athens tiếp tục thanh toán lãi suất. Ngoài ra, ngân hàng này được miễn trừ khỏi các thỏa thuận cơ cấu nợ. Do các trái phiếu nợ của Hy Lạp được ECB mua lại với mức giá thấp, nên lãi suất mà ngân hàng này kiếm được từ nợ Hy Lạp lên tới 10%.
Những người quen thuộc với tính hình cho biết nhóm tam hùng đang tìm mọi cách gây áp lực tài chính nhằm ép Hy Lạp phải thu bằng được thuế từ một nền kinh tế đang ngày một kiệt quệ. Tuần trước, Giám đốc điều hành của IMF, bà Christine Lagarde, đã làm dấy lên làn sóng phản đối tại Hy Lạp khi tuyên bố Hy Lạp nên trừng phạt những người không chịu nộp thuế.
Một cố vấn giấu tên trong Chính phủ Hy Lạp khi nói về nhóm tam hùng nhận xét: "Họ muốn chắc chắn rằng số tiền dành cho chi tiêu trong nước của chúng tôi được giữ ở mức tối thiểu nhằm ép chính phủ phải tăng đáng kể số tiền thu được từ hoạt động đánh thuế."
Nhìn bên ngoài, tình hình hiện tại dường như khá vô lý. Các nhà chức trách châu Âu đang cho Hy Lạp vay tiền một cách hiệu quả, do đó Hy Lạp có thể thanh toán các khoản nợ cho họ.
"Người ta gửi tiền và gọi đó là cho vay rồi nhận lại nó và gọi nó là lãi suất," chuyên gia kinh tế tại UBS, ông Stephane Deo nhận xét. Ông Deo cho rằng những thỏa thuận như vậy là một điều khá phổ biến tại các nước đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Nguyên nhân là do chính phủ không phá sản theo giống doanh nghiệp phá sản, các chủ nợ không thể phá tan nó và bán tài sản để bù lỗ. Do đó, các chủ nợ có động cơ để duy trì chính phủ và ép họ tiếp tục trả nợ và tránh một cuộc khủng hoảng lớn hơn có thể đe dọa sự tồn tại của liên minh tiền tệ. Trong số đó, hai phần ba số tiền được dùng để trả nợ cho các chủ sở hữu trái phiếu và nhóm tam hùng.
Chỉ một phần ba được dành riêng để duy trì hoạt động của chính phủ, và chỉ còn lại một phần nhỏ dành cho dự án kích nền kinh tế đang thiếu sức sống.
Vòng quay cho vay này về cơ bản chỉ là quá trình quản lý rủi ro. Tháng trước, nhóm tam hùng đã gửi 31 tỷ euro để vực dậy hệ thống ngân hàng của Hy Lạp. Hôm qua 29/5, Chính phủ Hy Lạp đã cấp phát 23 tỷ USD cho các ngân hàng. Phần còn lại, một số quan chức Hy Lạp đã yêu cầu giữ lại để duy trì hoạt động của chính phủ qua tháng 6 trong trường hợp nhóm tam hùng tiếp tục gia tăng sức ép.
Theo một ước tính lạc quan, đầu năm tới tiền thu thuế của Hy Lạp có thể sẽ dư thừa sau khi trừ đi chi phí dành cho hoạt động của chính phủ. Đến lúc đó, chính phủ dân túy mới của Hy Lạp có thể sẽ dừng thanh toán nợ. Nếu điều đó xảy ra, Hy Lạp có thể tìm thấy cơ hội cho chính mình, thoát khỏi eurozone mà không phải đeo gánh nặng trả lãi suất nợ.
Do đó, theo lý luận của nhóm tam hùng, để các nhà lãnh đạo Hy Lạp không bị cám dỗ bởi xu hướng ấy, cách tốt nhất là giúp họ trả nợ ngay lập tức.
Nguồn CNBC/DVT