
Ông Jeff Bezos đang sống theo triết lý “tối thiểu hóa hối tiếc” mà ông đã chọn từ thuở thanh xuân. Ảnh: The Economist.
Tỉ phú Jeff Bezos và cuộc sống không hối tiếc
“Hãy hạn chế tối đa những điều khiến bạn phải hối tiếc khi bước sang tuổi 80”, là nguyên tắc mà tỉ phú Jeff Bezos luôn sống theo. Ông gọi đó là “khuôn khổ tối thiểu hóa hối tiếc”. Năm 1994, nguyên tắc này đã khiến ông từ bỏ công việc an nhàn tại một quỹ đầu cơ để sáng lập Amazon. Cũng từ đó, hàng loạt canh bạc lớn như dịch vụ Amazon Prime hay nền tảng điện toán đám mây AWS đã đưa Amazon thành đế chế công nghệ trị giá 2.300 tỉ USD, còn ông Bezos trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Đây cũng là lý do lý giải vì sao ông rời bỏ người vợ đầu gắn bó 25 năm để đến với cựu MC truyền hình Lauren Sánchez, hay vì sao ông sẵn sàng chi tới 50 triệu USD chỉ để “bao trọn” Venice cho lễ cưới xa hoa diễn ra trong 3 ngày.
Ở tuổi 61, vị tỉ phú càng ý thức rõ hơn về những điều ông có thể hối tiếc khi về già, điều này thể hiện qua cách ông sử dụng thời gian và khối tài sản trị giá 240 tỉ USD.
Sau kỳ nghỉ trăng mật, ông Bezos sẽ trở lại với đam mê lớn nhất: công ty vũ trụ Blue Origin. Từ khi còn là cậu bé 5 tuổi theo dõi sứ mệnh Apollo 11, ông đã mơ về không gian. Năm 2000, ông thành lập Blue Origin với phương châm “gradatim ferociter” (tạm dịch: từng bước, một cách mãnh liệt), đặt mục tiêu dài hạn là đưa con người sống trong không gian giàu tài nguyên, để Trái Đất trở thành một khu bảo tồn tự nhiên.
Ngay cả khi còn điều hành Amazon, ông Bezos vẫn dành đều đặn nửa ngày mỗi tuần và cả sáng thứ Bảy cho Blue Origin. Ông cũng từng thừa nhận một phần lý do khiến ông nghỉ hưu vào năm 2021 là do Blue Origin phát triển quá chậm, trong khi SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã phóng hàng chục chuyến mỗi năm. Lúc đó, Blue Origin thậm chí chưa đưa được vật thể nào lên quỹ đạo.
Bốn năm qua, ông Bezos cho biết đã dành tới 90% thời gian cho Blue Origin. Dù không giữ chức danh điều hành, ông vẫn đóng vai trò “đồng CEO không chính thức” và trực tiếp giải quyết các vấn đề lớn. Ông đưa David Limp, cựu giám đốc mảng thiết bị của Amazon, về làm CEO, đồng thời mạnh tay cắt giảm 10% nhân sự hồi tháng 2 để cải tổ toàn diện.
Nỗ lực đã mang lại kết quả. Blue Origin được NASA chọn phát triển tàu đổ bộ trong sứ mệnh đưa người quay lại Mặt Trăng. Tháng 1 vừa qua, tên lửa New Glenn đã lần đầu bay vào quỹ đạo, và một vụ phóng nữa dự kiến diễn ra vào tháng 8. Trong khi ông Elon Musk ngày càng căng thẳng với chính quyền Mỹ, ông Bezos lại tỏ ra thân thiện hơn, khi mời cả Tổng thống Donald Trump dự đám cưới (dù bị từ chối) và nhẹ giọng với chính quyền Trump trên tờ Washington Post mà ông sở hữu.
Ngoài Blue Origin, ông Bezos còn dành thời gian cho Bezos Earth Fund, quỹ từ thiện trị giá 10 tỉ USD nhằm bảo vệ Trái Đất. Nếu Blue Origin là giấc mơ đưa nhân loại lên không gian, thì Earth Fund là cách để gìn giữ hành tinh.
![]() |
Mong muốn “kép” ấy cũng ảnh hưởng đến các khoản đầu tư tài chính của vị tỉ phú. Phần lớn tài sản của ông đến từ 8,6% cổ phần tại Amazon, hiện trị giá gần 200 tỉ USD. Tài sản được quản lý một phần qua văn phòng gia đình Bezos Expeditions, theo PitchBook, thì tổng tài sản khoảng 108 tỉ USD, ngang ngửa quy mô một quỹ hưu trí của bang Ohio.
Trước đây, ông Bezos từng rót vốn vào Airbnb, Uber, Twitter (nay là X)... nhưng lợi nhuận không vượt trội so với thị trường. Giai đoạn gần đây, ông chuyển hướng đầu tư mạo hiểm và đậm chất “tương lai”: từ trí tuệ nhân tạo (A.I) và robot (Skild AI, Physical Intelligence), cơ học chính xác (RIVR Technologies), giao diện não-máy (Synchron), năng lượng nhiệt hạch (General Fusion) đến thịt thực vật công nghệ cao (NotCo) và lưu trữ dữ liệu bằng DNA nhân tạo (Atlas Data Storage). Dù vậy, phần lớn tiền vẫn đổ vào Blue Origin.
Nhiều người có thể coi đó là dấu hiệu của một “ông trùm đã qua thời hoàng kim”. Nhưng với ông Jeff Bezos, đó chỉ đơn giản là hành trình hiện thực hóa giấc mơ thời thơ ấu, và sống sao để không phải hối tiếc.
Có thể bạn quan tâm:
Sức mạnh công nghệ: Cuộc đua toàn cầu mới
Nguồn The Economist