Tỉ phú doanh nhân Hứa Gia Ấn. Ảnh: Bloomberg.

 
Hải Miên Thứ Năm | 09/06/2022 11:11

Tỉ phú bất động sản Trung Quốc 'hết thời'?

Quyết tâm đạt được “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình đang báo hiệu sự kết thúc của “lò sản sinh tỉ phú” bất động sản tại Trung Quốc.

Trong một sự kiện nổi tiếng vào năm 2018, tỉ phú Hứa Gia Ấn đã chia sẻ rất lâu về những ngày còn ở quê ăn khoai.

Khoảng thời gian đó cũng là thời kỳ đỉnh cao của vị Chủ tịch China Evergrande Group, với khối tài sản 40 tỉ USD, ông sánh ngang với tỉ phú Jack Ma. Ông Hứa cho rằng thành công của mình là nhờ vào Đảng Cộng sản. Năm đó, khoảng 1/5 tỉ phú đi lên nhờ bất động sản (BĐS) của Trung Quốc đều say sưa kể về câu chuyện lập nghiệp từ bàn tay trắng.

Giờ đây tất cả mọi thứ đã thay đổi. Chiến dịch kéo dài một năm của Trung Quốc, nhằm kiểm soát giá bất động sản leo thang, đã khiến nhiều nhà phát triển bàng hoàng. Doanh số bán nhà giảm liên tục 11 tháng, dẫn đến thất thoát 65 tỉ USD tài sản của các “ông trùm” BĐS. Theo Bloomberg, cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc, niêm yết tại Hồng Kông, vào ngày 06/06 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Cơn sốt bất động sản

Tầm quan trọng của BĐS ở Trung Quốc là không thể phủ nhận, nó chiếm gần 30% GDP, giữ vai trò là một trong những động lực kinh tế lớn nhất. Lĩnh vực này đã sản sinh ra những gương mặt huyền thoại như ông Vương Kiện Lâm, người sáng lập Dalian Wanda Group, thúc đẩy sự giàu lên của tầng lớp trung lưu, và chiếm khoảng 60% tài sản của các hộ gia đình.

Trong suốt hai thập kỷ, đầu tư vào bất động sản là một cú cược ăn chắc. Giá nhà của Trung Quốc có xu hướng tăng kể từ đầu những năm 2000, thúc đẩy đầu cơ. 

 

Các công ty bắt đầu vay nợ, chuyển hướng sang các nguồn tiền khổng lồ từ nước ngoài. Các nhà đầu tư toàn cầu thì khao khát lợi nhuận cao, nên đã mua trái phiếu có lợi suất cao. Doanh số hàng năm của lượng trái phiếu đó đã tăng từ 675 triệu USD vào năm 2009 lên 64,7 tỉ USD vào năm 2020, theo dữ liệu của Bloomberg. Tuy nhiên, nợ nần chồng chất đã tạo rủi ro cho hệ thống tài chính của Trung Quốc. 

Đi cùng với điều đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng của quốc gia này.

"Gió đổi chiều"

Năm 2016, "gió bắt đầu đổi chiều". Năm đó, ông Tập tuyên bố rằng “những ngôi nhà được xây dựng để ở, không phải để đầu cơ”. Các quy định đã được siết chặt vào năm 2020, Trung Quốc đưa ra “ba ranh giới đỏ”, giới hạn các khoản vay mà các nhà phát triển có thể nhận. 

Điều này đã chèn ép các công ty trên diện rộng và đè bẹp Evergrande. Công ty, với khoản nợ hơn 300 tỉ USD, đã vỡ nợ vào tháng 12, sau khi hết cách tìm nguồn tài trợ, khiến hàng chục nhà xây dựng khác cũng khốn đốn theo.

Vương Kiện Lâm, tỉ phú người Trung Quốc, kiêm chủ tịch Tập đoàn BĐS Vạn Đạt.
Ông Vương Kiện Lâm, tỉ phú người Trung Quốc, kiêm chủ tịch Tập đoàn BĐS Vạn Đạt. Ảnh: Bloomberg.

Việc thúc đẩy sự thịnh vượng chung - hay phân bổ của cải đồng đều hơn - nhấn mạnh ưu tiên thay đổi của các nhà lãnh đạo đất nước. Họ đã đưa ra một “mô hình phát triển mới” cho ngành, cho thấy quốc gia đang nối bước Singapore trong việc phát triển các dự án nhà xã hội làm nơi ở cho phần lớn người dân.

Sự thay đổi đã tạo ra ảnh hưởng sâu rộng, làm thất thoát số tài sản lớn chưa từng có. Tỉ phú Vương của Wanda đã mất 61% giá trị tài sản ròng; nhà sáng lập Tôn Hoành Bân của Sunac China Holdings mất gần 90% tài sản; trong khi mức giảm lớn nhất thuộc về ông Hứa của Evergrande, người mất gần 24 tỉ USD. Nhiều doanh nhân bất động sản Trung Quốc, trong đó có ông Hứa, đã phải rút tiền túi để trả nợ và duy trì hoạt động cho công ty, khiến khối tài sản cá nhân của họ càng giảm nhanh hơn.

Các tỉ phú bất động sản hiện chỉ chiếm chưa đến 1/10 số người giàu nhất Trung Quốc, theo Bloomberg, khép lại một thời từng nắm cả quyền lực và sức ảnh hưởng trong tay. 

Doanh số bán nhà của các nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 5
Doanh số bán nhà của các nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 5.

Không chỉ dừng lại ở ngành BĐS, các quy định đang len lỏi vào nền kinh tế rộng lớn hơn, kéo theo mọi lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục. Để tránh một cuộc khủng hoảng toàn diện, Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với người mua nhà gần đây, một số lãi suất cũng được cắt giảm.

Dù vậy, sự phục hồi được dự báo sẽ diễn ra chậm chạp, không chỉ bởi Trung Quốc theo đuổi chính sách chống dịch hà khắc Zero COVID, mà còn bởi nước này sẽ tổ chức Đại hội Đảng trong năm nay. 

Về lâu dài, dân số già của Trung Quốc, tỷ lệ sinh giảm và nền kinh tế giảm tốc có nghĩa là những ngày bùng nổ của ngành BĐS sẽ không quay trở lại.

Có thể bạn quan tâm: 

Startup công nghệ toàn cầu ồ ạt sa thải nhân viên

Nguồn Bloomberg