Một sân chơi trống ở Nhật Bản. Đến năm 2100, dân số Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc dự kiến sẽ giảm một nửa. Ảnh: Bloomberg.
Tỉ lệ sinh ở châu Á: Bài toán ngoài tầm của tiền bạc
Cuộc khủng hoảng sinh sản ở Đông Á sắp trở nên tồi tệ hơn nhiều. Điều đó có thể nhìn qua câu chuyện của cô Jiho Kim, 26 tuổi sống tại Seoul, người mà chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng thuyết phục sinh con: trẻ, có việc làm và sẵn sàng trở thành cha mẹ. Nhưng cô nói rằng việc có con là điều không thể chấp nhận được ở Seoul, nơi giá nhà đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua và văn hóa làm việc cạnh tranh cao có xu hướng gây bất lợi cho phụ nữ. Thưởng tiền mặt và giảm thuế cho bậc cha mẹ, cộng với trợ cấp của chính phủ cho việc trông trẻ, không thể chạm đến được các gia đình thường xuyên chi khoảng 10% thu nhập cho riêng khoản giáo dục tư nhân.
Không có biện pháp khuyến khích nào trong số này, mà Hàn Quốc bắt đầu triển khai nghiêm túc cách đây khoảng một thập kỷ, giúp đảo ngược sự sụt giảm tỷ lệ sinh của quốc gia này, mức thấp nhất thế giới. 2/3 phụ nữ Hàn Quốc đang đi làm cho biết họ thậm chí không có kế hoạch sinh con.
Mọi quốc gia công nghiệp hóa trên hành tinh này đều đang phải đối mặt với cùng một thực tế đáng lo ngại: số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh. Trước khi thế kỷ này kết thúc, Liên Hợp Quốc cho biết dân số toàn cầu có thể giảm lần đầu tiên kể từ khi bệnh dịch hạch đã xóa sổ một nửa châu Âu vào những năm 1300.
Số con trung bình của một người phụ nữ tại các quốc gia Đông Á. Ảnh: Bloomberg. |
Sự suy giảm số ca sinh cùng với tuổi thọ cao hơn có hậu quả sâu sắc đối với sức khỏe của nền kinh tế và tài chính của chính phủ. Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Nhiều quốc gia châu Âu đang phải vật lộn để theo kịp chi phí lương hưu cho số lượng người về hưu ngày càng tăng. Và trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng về số lượng người cao tuổi đã vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc, với tình trạng thiếu hụt 10 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe dự kiến vào năm 2030, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Thời gian đang cạn dần. Nhóm phụ nữ Đông Á trong độ tuổi từ 25-34 khi họ có khả năng sinh con đầu lòng cao nhất về mặt thống kê đang giảm nhanh chóng. Điều đó một phần liên quan đến những nỗ lực trước đó của chính phủ nhằm khuyến khích hoặc thậm chí là ban hành luật về các gia đình nhỏ hơn. Năm tới, quy mô của nhóm nhân khẩu học này trong khu vực sẽ giảm xuống dưới 100 triệu lần đầu tiên kể từ những năm 1980, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, đi ngược lại xu hướng toàn cầu khi thấy phân khúc này vẫn đang phát triển.
Tức có một nhóm phụ nữ đang thu hẹp mà các chính phủ phải tiếp cận. Việc đảo ngược lộ trình đặc biệt khó khăn ở Đông Á, một khu vực bảo thủ về mặt xã hội, tương đối đồng nhất về mặt chủng tộc, nơi các giải pháp thay thế như mở cửa cho nhiều người nhập cư hơn không được ưa chuộng.
Trong bối cảnh đó, các quan chức ngày càng ưu tiên thúc đẩy sinh nở. Đây là một thay đổi lớn so với những năm gần đây, khi nhiều quốc gia Đông Á hướng đến mục tiêu hạn chế sinh đẻ, nổi tiếng nhất là ở Trung Quốc, nơi đã ban hành chính sách một con vào cuối những năm 1970. Nhưng ngày nay, tại một số vùng của Trung Quốc, giới chức đang liên hệ cho phụ nữ để hỏi về kế hoạch sinh con của họ và dựng các biển báo và áp phích có thông điệp như "ba con là tốt nhất!" Hàn Quốc và Nhật Bản đã cam kết chế độ nghỉ phép hào phóng hơn cho các bậc cha mẹ mới. Trong khi đó, tại Tokyo, chính phủ có kế hoạch ra mắt ứng dụng hẹn hò, với mục tiêu thúc đẩy tỉ lệ kết hôn.
Nhưng nhiều phụ nữ vẫn dửng dưng. Như cô Kazane Kajiya, 28 tuổi, sống tại Tokyo, cho biết quan điểm của cô về thiên chức làm mẹ đã được hình thành từ khi còn nhỏ, cô thấy mẹ mình đã hy sinh quá nhiều để giữ gìn mái ấm. Trong xã hội Nhật Bản, phụ nữ thường gánh vác phần lớn các công việc gia đình, bao gồm làm nhiều việc nhà gấp 7 lần so với chồng, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu và tương đương với khoảng 111 nghìn tỉ yên (725 tỉ USD) lao động không được trả lương, theo một báo cáo của chính phủ. Ít hơn một nửa số phụ nữ Nhật Bản quay trở lại sự nghiệp sau khi sinh con.
Câu hỏi cấp bách hiện nay là liệu các biện pháp can thiệp của chính phủ có thành công trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh hay không và nếu không, liệu xã hội có thể thích ứng bằng cách khác để giảm thiểu tác động của tình trạng dân số già hóa nhanh chóng hay không. Những người chỉ trích cho rằng, các cách tiếp cận hiện tại vẫn quá tập trung vào việc duy trì lý tưởng truyền thống về một gia đình nhỏ hai thế hệ, thay vì thích ứng với thực tế ngày nay của những người phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, hướng đến sự nghiệp và muốn sinh con muộn hơn trong cuộc đời, nếu có.
Nhiều phụ nữ cho biết, để đạt được bất cứ điều gì, các nước Đông Á phải giải quyết các chuẩn mực văn hóa vốn ăn sâu vào gốc rễ, đặt gánh nặng không bình đẳng lên các bà mẹ, dù là ở nơi làm việc hay trong cuộc sống cá nhân. Ví dụ, ở Hàn Quốc, khoảng cách lương theo giới tính là một trong những khoảng cách lớn nhất thế giới. Và cho đến gần đây ở một số vùng của Trung Quốc, cha mẹ không thể đăng ký khai sinh cho một đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú mà không phải nộp tiền phạt.
“Cách tốt nhất để kích thích khả năng sinh sản là khiến phụ nữ cảm thấy an toàn hơn”, bà Jia Yu, Phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu xã hội tại Đại học Bắc Kinh, cho biết. “Chi phí nuôi con là một chuyện. Nhưng những người phụ nữ sinh con, họ lo lắng về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như công việc của họ”, bà cho biết thêm.
Các nhà nhân khẩu học trong nhiều năm đã chỉ ra rằng, cách tốt nhất để tăng tỷ lệ sinh là khiến phụ nữ cảm thấy bình đẳng về mặt xã hội. Trên thực tế, đó là khuyến nghị hàng đầu từ OECD, tổ chức đã tư vấn cho các quan chức trong một báo cáo gần đây về việc "thúc đẩy việc chia sẻ công việc và sinh con công bằng hơn", cùng với việc làm cho nhà ở trở nên dễ tiếp cận hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Mối quan hệ thương mại bền chặt giữa vùng vịnh và châu Á
Nguồn Bloomberg